Vì sao núi lửa phun trào lại gây ra sóng thần ở Indonesia?

24/12/2018 14:42:41

Một phần sườn núi lửa Anak Krakatau trượt xuống biển trong lúc phun trào có thể đã làm dấy lên trận sóng thần thảm họa ở eo biển Sunda, Indonesia.

Vì sao núi lửa phun trào lại gây ra sóng thần ở Indonesia?
Ảnh vệ tinh của ESA cho thấy hình dáng phần phía tây của núi lửa Anak Krakatau đã thay đổi. Ảnh: BBC.

Các nhà nghiên cứu nhận định sự sụp đổ đột ngột ở bờ tây - tây nam núi lửa Anak Krakatau là nguyên nhân quan trọng dẫn tới thảm họa sóng thần tại eo biển Sunda, Indonesia hôm 22/12, theo BBC. Hình ảnh đầu tiên do vệ tinh gửi về hé lộ một phần ngọn núi lửa sụp đổ trong vụ phun trào khiến hàng triệu tấn đất đá rơi xuống biển, đẩy nước đi theo mọi hướng tạo ra những cơn sóng.

Giáo sư Andy Hooper ở Đại học Leeds, Anh, là chuyên gia nghiên cứu núi lửa từ vệ tinh. Ông không hoài nghi cách lý giải trên khi xem xét ảnh chụp từ tàu vũ trụ radar Sentinel-1 của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA). "Ngoài sự gia tăng kích thước của miệng núi lửa còn có những khoảng sẫm màu ở phần phía tây, hé lộ những sườn dốc do đất đá sụp đổ cũng như thay đổi ở đường ven bờ", Hooper cho biết.

So sánh giữa ảnh chụp trước và sau trận sóng thần có thể giúp các nhà nghiên cứu phát hiện nhiều điều. Nhưng chúng ta không thể lý giải chính xác sự kiện cho tới khi các nhóm khảo sát tới khu vực núi lửa để tiến hành đo đạc đầy đủ, nhiệm vụ quá nguy hiểm ở thời điểm này. Các đợt sụp đổ mới có thể làm phát sinh nhiều trận sóng thần hơn.

Núi lửa trẻ Anak Krakatau hình thành trong lòng núi lửa cổ xưa Krakatau và đạt tới độ cao 305 mét trong chưa đầy 100 năm. Các chuyên gia địa phương đánh giá quy mô phun trào của Anak Krakatau tương đối nhỉ và diễn ra bán liên tục.

Năm 2012, một nhóm nghiên cứu lập mô hình 3D về tác động khi đất đá sụp đổ ở sườn tây nam, nơi được coi là kém ổn định nhất của ngọn núi lửa. Những cơn sóng cao hàng chục mét sẽ ập vào các hòn đảo Sertung, Panjang và Rakata ở gần đó trong thời gian dưới một phút. Khi sóng tràn qua eo biển Sunda, chúng sẽ phân tán, xô vào bờ với độ cao từ một tới ba mét.

Kịch bản dự đoán trên diễn ra gần như chính xác, đặc biệt là việc tính thời gian sóng tràn vào bờ. Các máy triều ký ở eo biển Sunda ghi nhận nước biển dâng cao khoảng nửa tiếng sau vụ phun trào mới nhất của núi lửa Anak Krakatau, vào khoảng 9h tối hôm 22/12 theo giờ địa phương. Trong mô hình, thời gian để nước biển dâng cao dài hơn vài phút.

Vì sao núi lửa phun trào lại gây ra sóng thần ở Indonesia? - 1
Đồ họa: BBC.

Dù thảm họa đã được cảnh báo trước, các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra cách cũng như các công cụ cần thiết để xác định thời điểm nó xảy ra. Khu vực này chắc chắn sẽ trở thành chủ đề được xem xét kỹ lưỡng trong những tuần tới.

Những trận sóng thần do lở đất có thể có cường độ rất lớn. Năm 2017, một đợt sóng cao 100 m hình thành khi sườn núi lớn rơi xuống vịnh hẹp ở phía tây Greenland. Các nhà khoa học cũng nghi ngờ trường hợp sóng thần trên đảo Sulawesi ở Indonesia trong tháng 9 có thể là do sự dịch chuyển của lớp trầm tích, hoặc trượt sườn núi ở vịnh Palu.

Nếu có một trận động đất trước thời điểm phun trào, người dân địa phương giàu kinh nghiệm có thể tiến hành các biện pháp phòng tránh và di tản kịp thời. Tuy sự kiện lần này tạo ra những rung chấn nhỏ nhưng không đủ để mọi người chú ý.

"Những phao nổi cảnh báo sóng thần được bố trí để cảnh báo sóng thần phát sinh do động đất ở ranh giới mảng kiến tạo dưới biển. Ngay cả khi có một phao nổi ở ngay bên cạnh núi lửa Anak Krakatau, thời gian báo trước sẽ rất ngắn do tốc độ di chuyển nhanh của sóng thần", giáo sư Dave Rothery ở Đại học Mở, Anh, cho biết.

Theo An Khang (VnExpress.net)