Vì sao Nhật Bản phô diễn sức mạnh hải quân lớn nhất kể từ Thế chiến 2 ở biển Đông?

15/03/2017 13:58:00

Theo Reuters, Izumo - tàu sân bay lớn nhất của Nhật Bản sẽ huấn luyện cùng hải quân Mỹ trên biển Đông trong ba tháng tới.

Theo Reuters, Izumo - tàu sân bay lớn nhất của Nhật Bản sẽ huấn luyện cùng hải quân Mỹ trên biển Đông trong ba tháng tới.
Vì sao Nhật Bản phô diễn sức mạnh hải quân lớn nhất kể từ Thế chiến 2 ở biển Đông?
Tàu sân bay Izumo của Nhật Bản. Ảnh: Manila Livewire.

Một số chuyên gia nhận định, hành động của Nhật là một sự tính toán tương đối "táo bạo" tuy nhiên trên thực tế vẫn là do Tokyo lo lắng về những cam kết của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với châu Á.

Theo đó, Nhật Bản muốn thể hiện với chính phủ của Trump rằng Tokyo sẵn sàng đảm nhận nhiều hơn về phương diện quân sự, đồng thời cũng muốn dùng hành động này để khuyến khích Washington tiếp tục ở lại châu Á.

Sẵn sàng đảm nhận nhiều trách nhiệm hơn

James Schoff, cựu quan chức Lầu Năm Góc hiện làm việc tại Quỹ Hòa bình quốc tế Carnegie (Mỹ) cho rằng, từ động thái trên, Nhật Bản muốn chứng minh rằng nước này sẽ không hoàn toàn rút khỏi các khu vực tranh chấp tại biển Đông và nếu hiện diện ở đây, họ sẽ không quá "hùng hổ dọa người".

"Dù bước đi này là táo bạo nhưng ít nhất có thể chứng minh rằng, Tokyo có thái độ kiên trì. Trên phương diện lợi ích chung, Nhật Bản sẵn sàng đóng góp nhiều hơn, cũng sẵn sàng gánh vác nhiều trách nhiệm hơn", James Schoff nói.

Theo chuyên gia Mỹ, đây không phải là lần đầu tiên Izumo xuất hiện ở khu vực biển Đông. Sự khác biệt chính là, động thái lần này mang sự phô diễn sức mạnh lớn với thời gian dài hơn.

The Sydney Morning Herald dẫn lời các chuyên gia Australia cho hay, Nhật Bản điều tàu sân bay trực thăng tới vùng biển tranh chấp, phản ánh sự lo lắng của các đồng minh Mỹ tại châu Á trước những cam kết của Tổng thống Mỹ đối với khu vực này.

"Bằng quyết định phái tàu chiến cỡ lớn đến biển Đông, Tokyo muốn cho Washington thấy rằng họ sẵn sàng nỗ lực hơn nữa trên phương diện quân sự tại châu Á. Đồng thời khuyến khích Washington tiếp tục tham gia vào các vấn đề tại khu vực này.

Mặt khác cũng phản ánh việc các đồng minh tại châu Á của Washington, trong đó có Australia và Nhật Bản, vẫn lo lắng rằng Mỹ sẽ rút lui khỏi khu vực châu Á", Ben Schreer - Chủ nhiệm khoa Quốc phòng an ninh và nghiên cứu tội phạm Đại học Macquarie, Australia nói.

Một chuyên gia Australia khác nhận định, động thái này của Nhật Bản thực sự là một hành động "táo bạo" nhưng chỉ có cách táo bạo, mới quyết định việc Tokyo liệu có tham gia cùng với Washington tiến hành tuần tra tại các vùng biển lân cận hoặc khu vực biển tranh chấp trên biển Đông.

Vì sao Nhật Bản phô diễn sức mạnh hải quân lớn nhất kể từ Thế chiến 2 ở biển Đông? - Ảnh 1.
Izumo sẽ quay trở lại Nhật Bản vào tháng 8 sau ba tháng huấn luyện cùng hải quân Mỹ trên biển Đông. Ảnh: Bưu điện Hoa Nam buổi sáng.

Đồng minh lo ngại rằng Mỹ rút lui khỏi khu vực Châu Á

Trong thời gian tranh cử và sau khi nhậm chức, Tổng thống Trump đã nhiều lần đặt câu hỏi hoài nghi về giá trị và chi phí của Mỹ sau khi hệ thống đồng minh được thành lập sau Thế chiến II ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Theo giới phân tích, chính điều này đã làm cho Australia và Nhật Bản - những đồng minh của Mỹ tại châu Á cảm thấy lo lắng. Dù ngay sau khi trở thành Bộ trưởng Bộ quốc phòng Mỹ, James Mattis lập tức thực hiện chuyến thăm đến Nhật Bản và Hàn Quốc để đảm bảo rằng Washington tiếp tục duy trì các cam kết của mình với châu Á.

Ngày 13/3, trong bài phát biểu tại Singapore ngày 13/3, Ngoại trưởng Australia Julie Bishop đã phát biểu về vấn đề này.

Bà cũng kêu gọi chính phủ Trump nên đóng một vai trò lớn hơn đối với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Khi được hỏi về thái độ của Australia trước thông tin Nhật Bản sẽ cử chiến hạm lớn nhất biển Đông, bà Julie Bishop cho biết, ủng hộ tàu thuyền của tất cả các nước thực hiện quyền lợi của mình theo luật quốc tế hoạt động ở vùng biển quốc tế.

Chính phủ Trump cần khiến đồng minh an tâm

Ông James Schoff cho rằng, chính quyền Trump cần bổ nhiệm các quan chức tầm trung và thấp trong Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng.

"Cho đến nay, chính phủ Trump vẫn chưa hoàn thành việc bổ nhiệm các quan chức cấp thấp trong Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao, ví như Thư ký Bộ Ngoại giao. Đó là một trở ngại...", ông Schoff nói.

Ông cũng cho rằng, các nước Châu Á đang ở trong một "trạng thái tĩnh", họ đang chờ đợi một chính sách chi tiết hơn của chính phủ Trump. Điều này đòi hỏi cần phải có các quan chức cấp thấp để thực hiện nhiệm vụ đó

Thậm chí ngay cả chuyến công du châu Á sắp tới của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cũng không thể khiến cho các đồng minh của Mỹ cảm thấy yên tâm, bởi bản thân ông cho biết, đây là "chuyến đi để lắng nghe".

Quyền trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Susan Thornton trong cuộc họp báo diễn ra hôm thứ hai (13/3) tuyên bố, chiến lược tái cân bằng Châu Á – Thái Bình Dương quan trọng nhất dưới nhiệm kỳ cựu Tổng thống Barack Obama đã chết - ít nhất trên danh nghĩa.

Bà Thornton cho biết, chính phủ mới sẽ có các phương án riêng ở châu Á nhưng bà cũng thừa nhận rằng nếu có thì bà vẫn chưa được nhìn thấy những phương án chi tiết.

Trong khi đó, ông James Schoff nhận định rằng, chính phủ Trump sẽ không rút khỏi khu vực châu Á, bởi vì khu vực này có lợi ích chiến lược của Mỹ. Cho dù là lợi ích đối với quốc gia hay cá nhân, thì châu Á đều có vai trò rất quan trọng.

Theo Lưu Bình (Trí Thức Trẻ)