Ngày 27/5, Barack Obama sẽ trở thành Tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên tới thăm Hiroshima, nơi Mỹ thả một quả bom nguyên tử xuống hồi gần cuối Thế chiến II.
Ảnh AP |
Nhà báo Ryan Takeshita, phụ trách chi nhánh của báo Huffington Post ở Nhật vừa có bài viết nói về việc vì sao người Nhật mong chờ Tổng thống Obama tới Hiroshima:
Một người bạn Mỹ của tôi, là một nhà báo, gần đây hỏi tôi rằng liệu người Nhật có thấy không thoải mái với chuyến thăm sắp diễn ra của Tổng thống Mỹ hay không. "Người dân Hiroshima chắc chắn rất giận dữ. Các bạn có định yêu cầu Mỹ xin lỗi không".
Câu trả lời của tôi khiến anh ấy ngạc nhiên.
"Không", tôi nói. "Người dân Hiroshima và Nagasaki sẽ không tức giận". "Cảm xúc hiện giờ không giống như hồi năm 1945. Trên thực tế, một trong những tờ báo hàng đầu của Nhật là Asahi Shimbun vừa tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý và kết quả cho thấy 89% người Nhật thực tế đánh giá cao chuyến thăm của Obama.
Mỹ và Nhật không còn là những kẻ thù thời chiến mà là đồng minh thân cận. Người dân Nhật ở thế hệ chúng tôi lớn lên xem các bộ phim Hollywood và nghe nhạc Michael Jackson, Nirvana. Chúng tôi uống cà phê Starbucks và đầy phấn khích khi Apple tung ra một sản phẩm mới.
Dù người Nhật chưa bao giờ quên những gì đã xảy ra cũng như những đau khổ lớn lao mà chúng tôi phải hứng chịu từ bom nguyên tử thì chúng tôi vẫn cho rằng việc hợp tác với Mỹ để hướng tới một thế giới không vũ khí hạt nhân còn quan trọng hơn nhiều.
Chúng tôi tin tưởng vào lời nói của ông Obama tại Prague năm 2009: "Là cường quốc hạt nhân duy nhất từng sử dụng vũ khí hạt nhân, Mỹ có trách nhiệm đạo đức khi hành động". Vì tin Mỹ nên chúng tôi nghĩ rằng có thể gạt giận dữ sang một bên và tiếp tục tiến lên".
Một thế giới phi hạt nhân rất có ý nghĩa với người Nhật. Trong khi nhiều người Mỹ nói rằng bom nguyên tử đã rút ngắn cuộc chiến và cứu mạng vô số người thì người Nhật vẫn cho rằng đó là một thảm kịch kinh khủng nhất.
Trẻ em Nhật được dạy về bom tại trường học, được đi học thực địa ở Hiroshima hoặc Nagasaki. Các sinh viên được biết các thành phố bị tàn phá khủng khiếp ra sao sau khi hứng chịu vụ tấn công bằng bom nguyên tử đầu tiên trên thế giới. Nhiều người đã "bốc hơi" ngay lập tức trong khi nhiều người sống sót bị vùi lấp dưới các ngôi nhà và bỏ mạng, người nọ rồi tới người kia, do nhiễm độc phóng xạ.
Khi tôi tới thăm Bảo tàng kỷ niệm hòa bình Hiroshima với con trai 8 tuổi của tôi cách đây ba năm, tôi không để cháu đi vào trong. Tôi cảm thấy vẫn có thể nghe thấy tiếng la hét của những đứa trẻ. Tôi không muốn con trai mình bị sốc".
Theo Daniel Sneider, phó giám đốc trung tâm nghiên cứu châu Á-Thái Bình Dương Walter H.Shorenstein tại đại học Stanford, có 3 kiểu nói về chiến tranh. Cách đầu tiên là của những người thủ cựu, theo chủ nghĩa xét lại, họ cho rằng Nhật đã giải phóng châu Á khỏi chủ nghĩa thực dân, và Thế chiến II là hành động tự vệ chống lại chủ nghĩa đế quốc phương Tây. Cách suy diễn về chiến tranh thứ hai là của những người cánh tả, với quan điểm Nhật bị những người theo chủ nghĩa quân phiệt chiếm quyền lãnh đạo và dẫn tới sự hủy diệt của cả quốc gia. Cách hiểu thứ ba và mang tính bao quát hơn cả là chiến tranh là một điều khủng khiếp, chúng ta đã phạm sai lầm nghiêm trọng khi chọn con đường chiến tranh. Đó là một sai lầm mà người Nhật không bao giờ được phép phạm phải một lần nữa.
Khi Obama tới thăm Hiroshima và sát cánh với Thủ tướng Shinzo Abe, người Nhật sẽ không yêu cầu Mỹ xin lỗi cũng như đổ lỗi cho Mỹ.
Chuyến thăm Hiroshima chỉ là bước khởi đầu của nhiều bước tiếp theo nhằm hướng tới một thế giới phi vũ khí hạt nhân. Người Nhật cũng nên nhớ rằng chúng ta phải chịu trách nhiệm về một cuộc chiến tranh khủng bố. Chuyến thăm của Tổng thống Mỹ sẽ không làm mờ vai trò khởi xướng của Nhật.
Tôi muốn thấy Tổng thống Obama hành động sau chuyến thăm Nhật của ông. Tôi muốn thấy Thủ tướng và người dân Nhật hành động. Tôi muốn thấy các nhà lãnh đạo thế giới hành động. Hành động đáng giá hơn nhiều những lời xin lỗi và nó là một cách thức mạnh mẽ để tránh lặp lại bất cứ thảm họa nào.