Vì sao Nga,Trung Quốc không ngăn nghị quyết trừng phạt Triều Tiên?

25/12/2017 14:29:56

Điều đáng chú ý nữa là nghị quyết này được tất cả 15 thành viên của HDBA LHQ nhất trí thông qua, có nghĩa là ra đòn nặng tay như thế mà không bị Trung Quốc hay Nga phủ quyết. Trong chừng mực ấy có thể coi nghị quyết này là thắng lợi ngoại giao quan trọng của Mỹ.

Vì sao Nga,Trung Quốc không ngăn nghị quyết trừng phạt Triều Tiên?
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.

Mấy ngày trước Giáng sinh năm nay, HĐBA LHQ thông qua nghị quyết 2397 về Triều Tiên, lần thứ 4 về Triều Tiên trong năm nay và cũng lại vẫn liên quan đến chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, cụ thể là về việc Triều Tiên tiếp tục phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa.

Nội dung của nghị quyết này giống những nghị quyết trước đó về bản chất là trừng phạt và cấm vận, là bao vây và cô lập Triều Tiên. Cách tiếp cận vẫn là gây khó khăn về chính trị, kinh tế và thương mại cho Triều Tiên để buộc chính phủ nước này từ bỏ chương trình tên lửa và hạt nhân hoặc ít nhất thì cũng ngừng phóng tên lửa và thử hạt nhân. Chỉ mức độ trừng phạt là có khác và ở nghị quyết sau quyết liệt hơn so với nghị quyết trước.

Theo nghị quyết mới này, Triều Tiên chỉ còn được phép nhập khẩu dầu lửa 25% mức độ vốn đã được cho phép từ ngày 1.1.2018, tức là đã bị cắt giảm tới 90% so với trước đây. Nhập khẩu kim loại và chuyển giao một số công nghệ cũng bị cấm. 16 cá nhân ở Triều Tiên bị đưa vào danh sách trừng phạt trực tiếp. Công nhân Triều Tiên đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài bị buộc phải hồi hương trong thời gian một năm. Cắt giảm nhập khẩu nhiên liệu và chấm dứt xuất khẩu lao động là những đòn hiểm nhất trong nghị quyết này. Chúng gây khó khăn lớn trực tiếp cho Triều Tiên như thế nào có thể thấy hiện diện trong phản ứng của Triều Tiên khi lên án nghị quyết này là cấm vận kinh tế và coi đó là "hành động chiến tranh chống Triều Tiên".

Điều đáng chú ý nữa là nghị quyết này được tất cả 15 thành viên của HDBA LHQ nhất trí thông qua, có nghĩa là ra đòn nặng tay như thế mà không bị Trung Quốc hay Nga phủ quyết. Trong chừng mực ấy có thể coi nghị quyết này là thắng lợi ngoại giao quan trọng của Mỹ.

Mỹ thúc ép HDBA LHQ gia tăng áp lực về mọi phương diện đối với Triều Tiên, tăng mức độ trừng phạt và mở rộng phạm vi trừng phạt Triều Tiên. Mỹ đặc biệt nhằm vào Trung Quốc và Nga bởi hai nước này, nhất là Trung Quốc, đóng vai trò quyết định đối với việc thực thi các nghị quyết của HDBA LHQ về Triều Tiên, đối với hiệu quả thực tế của các biện pháp trừng phạt Triều Tiên. Mỹ ép cũng còn bởi Mỹ chưa thoát được ra khỏi tình thế bế tắc ý tưởng đối sách đối với Triều Tiên.

Trung Quốc và Nga không ngăn cản nghị quyết này bởi những suy tính lợi ích rất thực dụng. Cả hai đều không muốn đáp ứng hoàn toàn mọi yêu cầu của Mỹ nhưng có nhu cầu không để chuyện Triều Tiên làm ảnh hưởng tới quan hệ của họ với Mỹ. Cả hai không muốn để thế giới tin vào cáo buộc của Mỹ là họ không tận dụng hết ảnh hưởng của họ đối với Triều Tiên để thuyết phục hoặc buộc Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa. Họ không muốn bị vạ lây bởi căng thẳng và đối địch giữa Mỹ và Triều Tiên.

Họ càng không được lợi gì mà chỉ bị hại khi Triều Tiên vì bị đẩy vào chân tường mà phản ứng không thể trù liệu và lường trước được. Và họ có lý do chính đáng để lo ngại về khả năng Triều Tiên vì đối phó Mỹ mà bất chấp lợi ích cũng như quan ngại của họ. Cho nên họ chỉ đồng ý một phần yêu cầu của Mỹ và phải phát đi thông điệp cảnh báo và răn đe Triều Tiên. Nghị quyết này của HDBA LHQ vừa có cái cũ, vừa có cái mới chính vì thế. 

Theo Vỹ Lăng (Dân Việt)

Nổi bật