Việc Không quân Nga ưa thích dùng bom nhiệt áp trong cuộc chiến Syria được cho là xuất phát từ nguyên nhân tối ưu hóa cho việc tiêu diệt sinh lực ẩn nấp trong hầm ngầm, công sự vững chắc mà vũ khí thường khó phát huy hiệu quả.
Khi được ẩn mình trong hệ thống địa đạo sâu dưới mặt đất, các loại bom đạn thông thường sẽ rất khó triệt tiêu sức kháng cự của đối phương, gây tốn kém lãng phí đồng thời còn ảnh hưởng đến tâm lý của bộ binh dưới mặt đất.
Trong khi đó việc sử dụng bom xuyên lại không cần thiết vì đây là vũ khí vô cùng đắt tiền, hiệu quả lan rộng thấp trong khi hệ thống hầm hào của phiến quân lại quá rộng lớn, không thể ném bom hết chừng ấy địa điểm được.
Đối với vũ khí nhiệt áp, nó vẫn tạo ra một đám cháy mạnh với nhiệt độ cực cao và tạo áp suất cực lớn, hiệu quả tiêu diệt sinh lực trong hầm ngầm, công sự.
Chính vì lý do trên mà trong các trận chiến đô thị như Aleppo hay mới nhất là Đông Ghouta, Không quân Nga thường đi trước và dội bom nhiệt áp lên các cụm cứ điểm trong thành phố trước khi lính Syria tràn lên "dọn dẹp trận địa".
Hiệu quả của bom nhiệt áp cùng với pháo phản lực TOS-1A Buratino mà người Nga vẫn gọi bằng cái tên "hệ thống phun lửa hạng nặng" tạo ra hai gọng kìm có sức sát thương vô cùng cao, đủ bẻ gãy khả năng kháng cự của phiến quân.
Tuy nhiên vũ khí nào cũng có hai mặt, ngoài tác dụng kể trên thì tác hại của bom nhiệt áp sẽ là "thổi bay" toàn bộ cơ sở hạ tầng phía dưới, làm cho công việc tái thiết thành phố sau này gần như sẽ phải xây lại hoàn toàn.
Bên cạnh đó vũ khí này còn tiềm ẩn nguy cơ gây sát thương cho những người không liên quan vì rõ ràng là uy lực của nó cực kỳ lớn, cho nên trước khi có lệnh oanh tạc sẽ cần làm mọi công tác sơ tán dân thường trên quy mô tương đối rộng.
Theo Tùng Dương (Đất Việt)