Báo Insider dẫn lời ông Justin Bronk - nhà phân tích các cuộc chiến trên không của tổ chức cố vấn Viện Nghiên cứu Hoàng gia Anh về quốc phòng -an ninh (RUSI) cho biết: "Chiếc F-16 mỏng manh tới mức nó cần có các căn cứ không quân được chuẩn bị đặc biệt và những căn cứ đó có thể bị Nga dễ dàng xác định và nhắm vào. Ngoài ra, F-16 còn có lỗ hút khí lớn dưới mũi máy bay, hút trực tiếp mọi thứ từ mặt đất vào trong nó. Vì thế loại máy bay này thường phải được đặt tại các căn cứ không quân rất sạch, được bảo dưỡng tốt".
F-16 có bộ phận hạ cánh "khá nhẹ" vì nó được thiết kế để có tỷ lệ lực đẩy trên trọng lượng tốt và không có trọng lượng hơn mức cần thiết, ông Bronk nói thêm.
Các máy bay chiến đấu của Nga được chế tạo để hoạt động trên các sân bay thô sơ hơn trong khi các máy bay phản lực đặt trên tàu sân bay của phương Tây như chiếc F/A-18 được thiết kế để giảm sốc khi hạ cánh cứng trên đường băng nổi.
Theo ông Bronk, sẽ phải làm rất nhiều việc để những đường băng cũ của Ukraine đủ sạch để sử dụng một chiếc F-16 mà không lo nó bị các mảnh vỡ lạ xâm nhập và làm hỏng động cơ. Ngoài ra, nhiều sân bay của Ukraine quá ngắn để một chiếc F-16 đầy tải hoạt động. "Vì vậy, để F-16 hoạt động được, Ukraine sẽ phải xem xét tái tạo bề mặt đường băng và làm những việc mở rộng khác, tất cả đều dễ bị vệ tinh của Nga cũng như các nguồn tin của nước này phát hiện".
Hiện nay, Nga chưa sử dụng các tên lửa tầm xa để tấn công căn cứ không quân của Ukraine vì không quân của Kiev không gây ra mối đe dọa lớn nào, ông Bronk nói. Tuy nhiên, điều đó sẽ thay đổi nếu các máy bay phản lực do phương Tây chế tạo bắt đầu cất cánh từ các sân bay Ukraine.
Hiện nay, tất cả các căn cứ không quân của Ukraine đều nằm trong tầm bắn của tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình Nga. Dù kho tên lửa của Nga đang bị thu hẹp nhưng nếu cần, Nga vẫn có thể phóng tên lửa vào một số mục tiêu nhất định để vô hiệu hóa bất kỳ phi đội F-16 nào của Ukraine.
Kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Kiev đã kêu gọi phương Tây cung cấp máy bay để thay thế cho đội máy bay chiến đấu MiG-29 và Su-27 lỗi thời. Dù các nước phương Tây đã gửi một số lượng lớn vũ khí và đạn dược cho Ukraine nhưng vẫn chưa gửi máy bay phản lực cho nước này vì lo ngại Ukraine không quen máy bay và sợ khiêu khích Nga.
Theo Hoài Linh (VietNamNet)