Vì sao Nga chưa sử dụng tối đa lực lượng?
Trước khi chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine diễn ra, tình báo Mỹ dự đoán Nga sẽ nhanh chóng huy động không lực để tiến hành một cuộc tấn công mạnh mẽ nhằm kiểm soát bầu trời Ukraine.
Tuy nhiên, trong 7 ngày qua, những dự đoán đó đã không diễn ra mà thay vào đó, Moscow hành động với không lực ngày càng tinh vi hơn. Điều đó khiến cho các quan chức Mỹ không thể lý giải chính xác điều gì đang khiến Nga hành động như vậy.
"Họ không cần thiết phải sẵn sàng mạo hiểm với các chiến đấu cơ và phi công của mình", một quan chức quốc phòng cấp cao Mỹ nhận định với Reuters.
Trong khi Nga có sức mạnh quân sự vượt trội hơn hẳn, cả về số lượng và hỏa lực, việc không quân của Ukraine vẫn đang hoạt động và các hệ thống phòng thủ vẫn trụ lại là một thực tế khiến các chuyên gia quân sự cảm thấy khó hiểu.
Sau khi Nga mở chiến dịch quân sự vào Ukraine ngày 24/2, các nhà phân tích đã dự đoán rằng quân đội Nga đang cố gắng đã phá hủy không quân và phòng không Ukraine ngay lập tức.
"Điều đó là một bước tiến tiếp theo đã được dự đoán phổ biến và dựa trên logic như những gì từng xảy ra trong gần như mọi cuộc xung đột quân sự từ năm 1938", Viện Royal United Services Institute (RUSI) tại London đánh giá.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay trong "chiến dịch quân sự đặc biệt" của Nga, các chiến đấu cơ của không quân Ukraine vẫn tiến hành các cuộc tấn công mặt đất và tấn công phòng không tầm thấp. Máy bay Nga vẫn đang bay qua không phận giao tranh.
Quân đội Ukraine với các tên lửa đất đối không có thể đe dọa đến máy bay Nga và gây ra rủi ro cho các phi công Nga đang hỗ trợ lực lượng mặt đất.
"Có rất nhiều thứ họ đang làm gây khó hiểu", Rob Lee, một chuyên gia về quân sự Nga tại Viện Nghiên cứu Chính sách đối ngoại đánh gia. Ông Lee đồng thời cho rằng khởi đầu của một cuộc chiến tranh thường sẽ là "sử dụng tối đa lực lượng".
"Bởi vì mỗi ngày trôi qua, chi phí và rủi ro sẽ tăng lên. Nhưng họ lại không làm như vậy và điều đó thực sự khó để giải thích bằng bất kỳ lý do thực tế nào".
Sự khó hiểu trong cách Nga sử dụng lực lượng không quân được đề cập đến giữa bối cảnh chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden từ chối lời kêu gọi của Ukraine về việc thiết lập vùng cấm bay, vốn có thể trực tiếp kéo Mỹ vào cuộc xung đột với Nga.
Cả hai bên đều chịu tổn thất
Các chuyên gia quân sự đã nhận thấy những bằng chứng về việc thiếu sự phối hợp giữa lực lượng không quân Nga và các đơn vị tác chiến trên mặt đất qua việc nhiều binh đoàn của Nga được điều tới những khu vực nằm ngoài sự yểm trợ của lực lượng không quân.
Điều này khiến các binh lính Nga dễ bị các lực lượng của Ukraine tấn công với những tên lửa chống tăng của Anh, Mỹ và máy bay không người lái của Thổ Nhĩ Kỳ mà Kiev mới được trang bị.
David Deptula, một vị tướng đã nghỉ hưu thuộc Không quân Mỹ nhận định ông cảm thấy bất ngờ khi Nga không tăng cường nỗ lực kiểm soát không phận ngay từ đầu.
"Nga đang thấy rằng việc kết hợp chiến dịch đa chiều không dễ dàng. Và họ đang không thể hiện tốt như dự đoán", ông Deptula nhận định với Reuters.
Mỹ ước tính, Nga chỉ đang sử dụng hơn 75 chiến đấu cơ trong cuộc chiến ở Ukraine.
Trước khi Nga tiến hành chiến dịch ở Ukraine, các quan chức Mỹ ước tính Nga có khả năng sẵn sàng điều động hàng trăm trong số hàng nghìn chiến đấu cơ cho lực lượng không quân trong cuộc tấn công này. Tuy nhiên, một quan chức cấp cao Mỹ ngày 1/3 đã từ chối đưa ra ước tính Nga có bao nhiêu máy bay chiến đấu, bao gồm cả trực thăng tấn công đã sẵn sàng và ở bên ngoài Ukraine.
Cả Nga và Ukraine đều đang chịu tổn thất.
"Chúng tôi có những bằng chứng cho thấy họ đã mất một số máy bay chiến đấu và Ukraine cũng vậy. Không phận mỗi ngày đều chứng kiến giao tranh dữ dội", quan chức này cho hay./.
Theo Kiều Anh (VOV.vn)