Tuy vậy, Fisher và Keller chỉ ra rằng cả ba giả thuyết đều có một đặc điểm chung: Dù rất có lý, nhưng chúng đều không giải thích được lý do các vụ xả súng xảy ra thường xuyên ở Mỹ, đặc biệt là khi nghiên cứu các vụ xả súng ở các nước khác.
Theo hai tác giả, các nghiên cứu hiện nay đang đi đến một kết luận. Điều duy nhất không thay đổi có thể giải thích tần suất các vụ xả súng dày đặc xảy ra ở Mỹ là số lượng súng tại nước này rất lớn.
Mỹ hiện chiếm khoảng 4,4% dân số thế giới, nhưng sở hữu 42% tổng số súng trên toàn thế giới. Từ 1966 tới 2012, 31% các đối tượng xả súng hàng loạt trên khắp thế giới là người Mỹ, theo nghiên cứu được giáo sư Adam Lankford thuộc Đại học Alabama thực hiện năm 2015
Điều chỉnh theo dân số, chỉ có Yemen có tỷ lệ xả súng hàng loạt cao hơn Mỹ trong số những nước dân số hơn 10 triệu người. Yemen là nước có tỷ lệ sở hữu súng cao thứ hai thế giới, sau Mỹ.
Trên toàn thế giới, tỷ lệ sở hữu súng tại một nước có liên quan tới khả năng xảy ra các vụ xả súng hàng loạt, theo giáo sư Lankford. Mối quan hệ này vẫn đúng, ngay cả khi ông đã loại nước Mỹ ra khỏi thống kê, cho thấy điều đó không thể giải thích bằng các nguyên nhân khác mà chỉ nước Mỹ mới có.
Bên cạnh đó, mối quan hệ vẫn đúng khi Lankford kiểm soát biến số về tỷ lệ giết người, cho thấy việc xảy ra nhiều vụ xả súng nên được giải thích bằng khả năng tiếp cận của dân số với súng ống hơn là mức bạo lực của cộng đồng đó.
Nếu sức khỏe tâm thần gây ra sự khác biệt, dữ liệu sẽ cho thấy người Mỹ có nhiều vấn đề tâm thần hơn so với người dân ở các nước ít xảy ra xả súng hơn. Tuy vậy, tỷ lệ chi tiêu điều trị các bệnh tâm thần, số chuyên gia tâm thần trên đầu người và tỷ lệ các bệnh tâm thần nghiêm trọng ở Mỹ đều tương tự như ở các nước giàu khác.
Một nghiên cứu hồi năm 2015 ước tính chỉ 4% các vụ tử vong vì súng đạn ở Mỹ có thể coi là liên quan tới các vấn đề tâm thần. Giáo sư Lankford cho rằng các nước có tỷ lệ tự tử cao thường có tỷ lệ xả súng thấp.
Việc người dân chơi trò chơi điện tử nhiều hay ít dường như cũng không ảnh hưởng tới các vụ xả súng. Người Mỹ không chơi trò chơi điện tử nhiều hơn các nước phát triển khác.
Năm 2019, tỷ lệ các vụ giết người bằng súng ở Mỹ là 33 trên mỗi triệu dân, vượt xa mức trung bình ở các nước phát triển. Ở Canada, con số này là 5 vụ trên mỗi triệu người và ở Anh là 0,7 vụ. Cả hai đều có liên quan tới tỷ lệ sở hữu súng.
Người dân Mỹ thường coi đây là vấn đề liên quan tới tội phạm, tuy vậy Mỹ thực chất không xảy ra nhiều hoạt động tội phạm hơn các nước phát triển khác, theo nghiên cứu năm 1999 của Franklin E. Zimring và Gordon Hawkins thuộc Đại học California, Berkeley.
Thay vào đó, họ phát hiện rằng dữ liệu cho thấy các hoạt động tội phạm ở Mỹ gây chết người nhiều hơn. Một người ở New York có khả năng bị cướp tương đương với một người ở London, nhưng người ở New York dễ bị sát hại hơn tới 54 lần. Nhóm nghiên cứu cho rằng sự khác biệt này cũng có liên quan tới súng.
Những người nghi ngờ các phương pháp kiểm soát súng tại Mỹ thường dẫn chứng một nghiên cứu vào năm 2016. Theo nghiên cứu này, từ 2000 tới 2014, tỷ lệ tử vong vì xả súng ở Mỹ là 1,5 trên mỗi triệu người. Ở Thụy Sĩ, tỷ lệ này là 1,7 và ở Phần Lan là 3,4, cho thấy có thể các vụ xả súng không chỉ phổ biến tại Mỹ.
Nhưng số liệu cụ thể từ chính nghiên cứu này cho thấy Mỹ ghi nhận tới 133 vụ xả súng hàng loạt trong khoảng thời gian trên, trong khi Phần Lan chỉ có hai vụ, khiến 18 người chết, và Thụy Sĩ có một vụ, khiến 14 người chết. Như vậy, các tác giả Max Fisher và Josh Keller cho rằng xả súng có thể xảy ra tại nhiều nơi trên thế giới, nhưng chỉ thực sự phổ biến ở Mỹ.
Max Fisher và Josh Keller cũng chỉ ra rằng có nhiều nguyên nhân khiến các đối tượng gây án, nhưng sự khác biệt nằm ở khả năng những vụ việc đó trở thành thảm sát.
Tại Trung Quốc, các vụ tấn công trẻ em là học sinh xảy ra trong khoảng 2010-2012 đã khiến 25 người thiệt mạng. Hung khí trong hầu hết các vụ việc là dao, không đối tượng nào xả súng.
Trong khi đó, cùng khoảng thời gian trên, Mỹ ghi nhận năm trong số những vụ xả súng đẫm máu nhất, khiến 78 người thiệt mạng. Điều chỉnh theo dân số, các vụ tấn công ở Mỹ chết chóc gấp 12 lần.
Năm 2013, các trường hợp tử vong vì súng đạn ở Mỹ bao gồm 21.175 vụ tự tử, 11.208 vụ giết người và 505 vụ tai nạn. Cùng năm đó, Nhật Bản, với dân số bằng 1/3 Mỹ, chỉ ghi nhận 13 trường hợp tử vong liên quan đến súng.
Điều này có nghĩa là một người Mỹ trung bình có thể tử vong vì bị giết bằng súng hay tai nạn súng đạn nhiều gấp 300 lần một người Nhật. Tỷ lệ sở hữu súng ở Mỹ cao gấp 150 lần ở Nhật.
Mỹ cũng là một trong ba nước, bên cạnh Mexico và Guatemala, cho rằng người dân có quyền cố hữu sở hữu súng.
Lý do kiểm soát sở hữu súng tại Mỹ còn yếu có thể là do những tranh luận tại nước này đã đi đến kết luận rằng sở hữu súng tương đối ít kiểm soát là xứng đáng so với thiệt hại cho xã hội, theo Max Fisher và Josh Keller.
Hai tác giả lưu ý rằng sau khi một vụ xả súng hàng loạt xảy ra ở Anh hồi năm 1987, nước này đã thông qua luật kiểm soát súng nghiêm ngặt, và Australia cũng có động thái tương tự sau một vụ xả súng vào năm 1996. Tuy vậy, Mỹ đã nhiều lần trải qua các vụ xả súng đẫm máu, nhưng tới nay chưa có nhiều thay đổi đáng kể.
Hồ Anh (Nguoiduatin.vn)