INS Vikramaditya là bài học đắt giá nhất mà Nga dành cho hải quân Ấn Độ. Ban đầu con tàu này chính là chiếc tuần dương hạm đô đốc Gorshkov Liên Xô đóng vào năm 1987, sau này do thiếu chi phí hoạt động, Nga đã phải loại biên tàu vào năm 1996.
Sau khi loại biên, Nga đề nghị tặng con tàu này cho phía Ấn Độ với điều kiện nước này cần bỏ ra 800 triệu USD để nâng cấp thành tàu sân bay và 1 tỷ USD để mua các tiêm kích hạm MiG-29K. Hợp đồng được ký vào năm 2004, dự kiến Nga sẽ phải bàn giao con tàu này vào năm 2008.
Thời gian đầu, tiến độ công việc cải tiến tàu rất nhanh, nhưng gần đến ngày bàn giao, công việc tự nhiên bị đình trệ. Tháng 7-2008, phía Nga cho biết muốn tăng giá sửa chữa và nâng cấp con tàu lên 2 tỷ thay vì chỉ 800 triệu USD như trước đây. Họ đổ lỗi cho các khoản chi vượt dự đoán về tình trạng xuống cấp của con tàu, cùng với các chi phí phát sinh khác.
Ấn Độ đồng ý trả tiếp 400 triệu USD cho con tàu vào tháng 8-2008, nhưng phía Nga không chịu, họ đe dọa hủy hợp đồng, sau khi Ấn Độ họp bàn và nhận thấy rằng việc mua tàu đô đốc Gorshkov là lựa chọn tốt nhất có sẵn, New Delhi đồng ý với khoản tiền của Nga đưa ra và mong muốn phải nhận được con tàu vào năm 2012.
Đến năm 2009 phía Nga lại cho biết con tàu chỉ có thể hoạt động tốt và bàn giao cho Ấn Độ với mức chi phí là 2,9 tỷ USD. Sau nhiều vòng đàm phán căng thẳng, cuối cùng hai nước đã thống nhất chi phí cuối cùng là 2,35 tỷ USD.
Cuối cùng thì con tàu được bàn giao cho Ấn Độ vào năm 2013, sau khi tiếp nhận hải quân nước này đã chính thức làm lễ biên chế cho con tàu vào ngày 16-11-2013 với tên gọi INS Vikramaditya.
Dù được coi là biểu tượng sức mạnh của hải quân Ấn Độ, nhưng mỗi khi nhìn vào lịch sử con tàu, New Delhi không khỏi chạnh lòng với phía Nga.
Theo An Ninh Thủ Đô