Theo Mạng Truyền thông Công cộng (PBS, Mỹ), người Do Thái là đại diện của những điều mà Hitler khiếp sợ hoặc coi thường, như chủ nghĩa tư bản, tư tưởng hiện đại trong nghệ thuật, quan điểm chống chủ nghĩa dân tộc trong báo chí và các sản phẩm gợi dục. "Tôi đã tìm ra những đối tượng phải chịu trách nhiệm vì đã khiến nhân dân chúng ta lạc lối", Hitler khẳng định.
|
Trùm phát xít Đức Adolf Hitler. Ảnh: Daily Beast |
Riecker khẳng định: "Cốt lõi trong quan điểm bài Do Thái của Hitler là thất bại của nước Đức. Hitler đổ lỗi cho người Do Thái, cho rằng họ là nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của chế độ quân chủ cũng như cuộc sống của hàng triệu người".
Một số giả thiết cho rằng, Hitler bắt đầu nuôi hận thù vì một bác sĩ người Do Thái không thể chữa khỏi bệnh cho mẹ của y, bà Klara.
Ông Riecker không hoàn toàn đồng ý, nhưng nhấn mạnh: "Adolf Hitler chỉ yêu duy nhất hai điều trong cuộc sống của hắn: người mẹ và Đế chế thứ 3". Bà Karla qua đời năm 1907 vì ung thư vú.
Hitler từng sống ở Munich, nơi phong trào khởi nghĩa chống chế độ quân chủ diễn ra vào ngày 9/11/1918. Người Do Thái đóng vai trò quan trọng trong phong trào khởi nghĩa ấy. "Ảo giác 'độc tố từ bên trong' về người Do Thái dẫn đến thất bại của nước Đức, kết hợp với nỗi đau mất mẹ, khiến Hitler hình thành quan điểm coi người Do Thái như chất độc mà y phải loại trừ", tiến sỹ Riecker phân tích.
Lá thư của Hitler
Tháng 9/1919, một năm sau khi Thế chiến 1 kết thúc, đơn vị tuyên truyền và giáo dục những binh sĩ giải ngũ nhận bức thư từ người lính tên Adolf Gemlich. Nội dung thư đề nghị quân đội nêu rõ quan điểm về người Do Thái.
Lãnh đạo đơn vị khi đó là Karl Mayr đã để cấp dưới, Adolf Hitler, trả lời câu hỏi này.
Trong thư, Hitler viết: "Chủ nghĩa bài Do Thái không phải là hiện tượng cảm xúc. Đây là một hoạt động chính trị và không thể định nghĩa bằng cảm xúc, mà phải bằng công nhận những sự thật". Đối với Hitler, người Do Thái là những người tham lam tài sản và luôn muốn nắm vai trò thống trị.
Theo các nhà sử học, bức thư phản hồi của Hitler chính là bằng chứng đầu tiên về thái độ bài Do Thái của trùm phát xít ở thời kỳ đầu, trước khi dẫn đến nạn diệt chủng vào những thập kỷ sau.
"Dù căn nguyên thái độ chống đối người Do Thái của Hitler cho đến khi chiến dịch tàn sát bắt đầu vẫn còn là vấn đề tranh cãi giữa các nhà sử học, quan điểm phổ biến nhất là sự căm phẫn của Hitler đã tích tụ trong khoảng 10 tháng từ sau khi nước Đức thất bại năm 1918 đến khi y trả lời bức thư này", Peter Hayes, giáo sư nghiên cứu về thảm kịch người Do Thái bị tàn sát tại Đại học Northwestern, nói với tạp chí Time.
Còn nhà sử học Saul Friedlander (Đại học California) nhấn mạnh: "Ngay từ những dòng quan điểm đầu tiên trong thư, Hitler đã thể hiện rõ sự căm phẫn với người Do Thái là cốt lõi trong sự nghiệp chính trị của y".Ông Friedlander từng đoạt giải Pulitzer cho công trình nghiên cứu về Đức Quốc xã.