Vì sao hầu như toàn bộ hành khách và phi hành đoàn máy bay Hàn Quốc thiệt mạng trong tai nạn?

30/12/2024 09:36:48

Thông tin ban đầu từ giới chức địa phương cho thấy máy bay của hãng Jeju Air dường như đã nỗ lực hạ cánh bằng bụng do cả ba càng tiếp đất đều không hoạt động được.

Máy bay cũng không thể giảm tốc độ trên đường băng, đâm vào hàng rào và tường chắn ở Sân bay Quốc tế Muan khiến 179 người thiệt mạng, chỉ hai người sống sót.

Theo thông tin từ Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Giao thông vận tải Hàn Quốc cũng như giới chức cứu nạn cứu hộ địa phương, dường như chim đã lọt vào động cơ lúc máy bay đang hạ cánh. Động cơ đã bị hỏng gây ảnh hưởng tới hệ thống thủy lực, khiến máy bay không thể thả càng đáp lúc chuẩn bị hạ cánh xuống đường băng.

Thời điểm tai nạn xảy ra, đài kiểm soát không lưu mặt đất đã phát cảnh báo khả năng va chạm với chim tới máy bay, theo Korea Times.

"Nhân chứng nhìn thấy lửa tóe ra từ động cơ, nghĩa là có khả năng đã va chạm với chim," chuyên gia hàng không Kim Gyu-wang thuộc Đại học Hanseo, Seoul (Hàn Quốc) nhận xét. Trước đó, một số nhân chứng cho biết họ nhìn thấy tia lửa tóe ra từ động cơ bên phải của máy bay.

Vì sao hầu như toàn bộ hành khách và phi hành đoàn máy bay Hàn Quốc thiệt mạng trong tai nạn?
Hiện trường tai nạn máy bay tại Hàn Quốc hôm 29/12 (Ảnh: Yonhap)

Tuy vậy, giới chuyên gia vẫn chưa chắc chắn liệu có phải cả hai động cơ hỏng cùng lúc vì va chạm với chim hay không, và liệu điều này có ảnh hưởng gì tới hệ thống thủy lực nâng và hạ càng đáp hay không.

Joo Jong-wan, giám đốc chính sách hàng không tại Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Giao thông vận tải Hàn Quốc cho biết trong buổi họp báo hôm 29/12 rằng "động cơ hỏng và càng đáp hỏng thường không liên quan tới nhau."

"Vẫn có cách để thả càng đáp, dù là tự động hay thủ công. Nếu càng đáp không được thả, chúng tôi cần phân tích dữ liệu chuyến bay để tìm hiểu nguyên nhân," ông Joo nói.

Khi không thể thả càng đáp tự động, phi công vẫn có thể thử phương pháp thủ công. Tuy vậy, do va chạm xảy ra chỉ hai phút sau khi cơ trưởng phát tín hiệu báo nguy, tổ lái có thể đã không có thời gian để thả càng đáp thủ công.

"Trong một số trường hợp hiếm gặp, có thể càng đáp không thể thả được kể cả bằng phương pháp thủ công. Nhưng trong vụ việc này, cơ trưởng dường như đã quyết định hạ cánh khẩn cấp thay vì tiếp tục bay khi động cơ đã hỏng", giáo sư hàng không Kim Kwang-il tại Đại học Silla nêu ý kiến.

Do không thể thả được càng đáp, cơ trưởng dường như đã quyết định cho máy bay hạ cánh khẩn cấp. Đây được mô tả là "nỗ lực cuối cùng", máy bay sẽ đáp xuống đường băng bằng bụng, với hy vọng ma sát sẽ giúp máy bay giảm tốc và dừng lại.

Theo hướng dẫn đối phó khẩn cấp mà các công ty sản xuất máy bay gửi cho hãng hàng không, cần ít nhất 20 phút để chuẩn bị cho máy bay hạ cánh khẩn cấp bằng phần thân. Tổ lái cần thời gian phối hợp với đài kiểm soát không lưu trên mặt đất và sân bay để phun bọt giảm tốc trên đường băng cũng như thực hiện các biện pháp cần thiết khác để giảm ma sát giữa thân máy bay và đường băng.

Tuy vậy, sự cố dường như diễn ra quá nhanh khiến tổ lái cũng như sân bay không kịp chuẩn bị. Động cơ có thể đã bốc cháy, khói và khí độc tràn vào khoang máy bay khiến phi công buộc phải hạ cánh khẩn cấp. Điều này khiến phi công cũng không thể cho máy bay lượn vòng để tiêu hao bớt nhiên liệu, một trong những bước cần thiết khi hạ cánh khẩn cấp, theo Hankook Ilbo.

"Hạ cánh khẩn cấp bằng thân máy bay có nguy cơ cháy nổ rất lớn do ma sát sinh ra khi máy bay tiếp xúc với đường băng. Cần phải tiêu hao nhiên liệu nhiều nhất có thể trước khi hạ cánh như vậy," Hankook Ilbo dẫn lời một chuyên gia cứu hỏa cho biết.

"Thiệt hại có thể giảm thiểu nếu máy bay có thời gian lượn vòng trên không, khi nào tổ lái nhận tin báo xe cứu hỏa đã tới thì mới hạ cánh và sau đó đội cứu hỏa sẽ dập lửa ngay lập tức," chuyên gia này giải thích thêm.

"Hạ cánh khẩn cấp bằng thân nên được thực hiện ở đầu đường băng để đảm bảo quãng đường vừa đủ cho máy bay giảm tốc độ và dừng lại an toàn. Tuy vậy qua kiểm tra video, dường như máy bay hạ cánh xuống khoảng giữa đường băng, tiếp tục trượt dài trước khi đâm vào tường ngoài sân bay," chuyên gia hàng không  Ko Seung-hee thuộc Đại học Silla nhận xét.

Một số ý kiến cho rằng chiều dài đường băng ở Sân bay Quốc tế Muan có thể là yếu tố gây ra tai nạn, nhưng giới chức Hàn Quốc phủ nhận điều này. Sân bay có đường băng dài 2.800 mét, không khác biệt nhiều so với các sân bay quy mô tương tự như  Daegu (2755 mét), Gunsan (2745 mét), Cheongju (2744 mét), và Gimhae (2743 mét).

"Nhiều máy bay kích cỡ tương tự đã và đang được khai thác tại sân bay. Khó có thể nói rằng chiều dài đường băng gây ra tai nạn," đại diện Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Giao thông vận tải Hàn Quốc cho biết.

Các ý kiến khác cho rằng lẽ ra phi công nên cố gắng cho máy bay hạ cánh xuống biển, nhưng chuyên gia đánh giá cách này vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường.

"Làm như vậy sẽ có nguy cơ hành khách chết đuối, ngoài ra không có gì đảm bảo máy bay hạ cánh thuận lợi vì nước biển có lực cản rất lớn. Có vẻ như nguyên nhân tai nạn là sự kết hợp của va chạm với chim và không may mắn. Đó là một vụ việc với nhiều yếu tố bất lợi đồng thời xảy ra," chuyên gia hàng không Kim Kwang-il nêu ý kiến.

Hoài An (SHTT)

Nổi bật