Vì sao đại sứ Nga trở thành mục tiêu ám sát?

22/12/2016 06:10:00

Việc can thiệp vào Syria được đánh giá là nguyên nhân khiến lần đầu tiên sau gần 100 năm một đại sứ của Nga tại nước ngoài trở thành mục tiêu bị ám sát.

Việc can thiệp vào Syria được đánh giá là nguyên nhân khiến lần đầu tiên sau gần 100 năm một đại sứ của Nga tại nước ngoài trở thành mục tiêu bị ám sát.
 
Đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ Andrey Karlov . Ảnh: Sputnik

Việc đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ Andrey Karlo bị ám sát vào ngày 19/12 gióng lên hồi chuông cảnh báo về thực tế rằng vai trò địa chính trị ngày càng gia tăng thì cái giá một quốc gia phải trả càng đắt, thậm chí có thể đánh đổi bằng máu, theo Dallas news.

Nhà phân tích chính trị Leonid Bershidsky nhận định các đại sứ là đại diện cho quốc gia, là sứ giả cho chính sách ngoại giao của đất nước mình. Thực tế này khiến họ trở thành mục tiêu nhắm đến hàng đầu của những lực lượng chống đối chính sách quốc gia họ.

Từ năm 1968 đến 1979, 5 đại sứ Mỹ đã thiệt mạng trong khi làm nhiệm vụ, trong đó ba người bị ám sát tại Trung Đông, một ở đảo Síp và một ở Guatemala, những quốc gia mà Mỹ từng bị cáo buộc can thiệp quân sự.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng là miền đất dữ đối với giới ngoại giao khi 1973-1974 có hàng chục người bị giết hại bởi tổ chức phiến quân người Armenia, với mục đích gây tổn hại đến uy tín của Ankara.

Mặc dù có ảnh hưởng lớn và tham gia vào rất nhiều sự kiện quốc tế, nhưng trong suốt nửa sau của thế kỷ 20, không một cán bộ ngoại giao cao cấp nào của Liên Xô và Nga bị giết hại. Vụ việc gần nhất diễn ra từ năm 1927 khi đại sứ Liên Xô tại Ba Lan Pyotr Voikov bị bắn chết.

Một trong những lý do chính là Nga rất quan tâm đến công tác bảo đảm an toàn cho các nhà ngoại giao của mình, bằng cách thiết lập những hàng rào an ninh nghiêm ngặt, biến các đại sứ quán thành những pháo đài bất khả xâm phạm.

Tuy nhiên, vị thế hiện nay của Nga đã khác. Mặc dù không cùng chiến tuyến với Mỹ và phương Tây, nhưng Moscow hiện là "kẻ thù" của hàng trăm nhóm Hồi giáo cực đoan, vì những lý do về tôn giáo và chính trị. Trong số đó, có những nhóm ghét cả Nga và Mỹ và những nhóm "không ưa" Moscow nhiều hơn Washington.

Viên cảnh sát bắn chết đại sứ Nga dường như là một người ủng hộ quân nổi dậy ở Syria, lực lượng mới bị quân chính phủ do Nga hậu thuẫn đánh bại ở Aleppo.

vi-sao-dai-su-nga-tro-thanh-muc-tieu-am-sat-1
Chiến đấu cơ Nga ném bom xuống mục tiêu IS ở Syria. Ảnh: RT.

Người dân Nga có thể cho rằng quốc gia họ can thiệp vào Syria nhằm hỗ trợ chính quyền Tổng thống Assad, làm đối trọng với ảnh hưởng của Mỹ, nhưng với lực lượng Hồi giáo cực đoan, Moscow lại bị nhìn nhận theo cách khác.

"Syria đang dần biến thành một thùng thuốc nổ. Nhiều người dân nước này đã lên tiếng phản đối sự can thiệp của các cường quốc. Đây là một cuộc chiến mà đại diện của tất cả bên tham gia đều có thể là một mục tiêu tấn công", một nhà quan sát phương Tây nhận định.

Theo Nguyễn Hoàng (VnExpress.net)

Nổi bật