Trang The Interpreter thuộc Viện nghiên cứu Lowy (Australia) ngày 16/10 đã có bài viết nhận định về mối quan hệ Campuchia - Australia.
Theo đó, trong những thập kỷ qua, Australia là đối tác quan trọng trong quá trình phát triển của Campuchia, hợp tác chặt chẽ trong các sáng kiến kinh tế và quản trị.
Để tăng cường hơn nữa mối quan hệ, Campuchia có thể nâng cấp mối quan hệ với Australia lên Đối tác chiến lược toàn diện (CSP) — cấp độ ngoại giao cao nhất trong quan hệ đối ngoại của Campuchia. Điều này sẽ đưa Australia trở thành quốc gia thứ ba trở thành đối tác chiến lược toàn diện của Campuchia, sau Trung Quốc (năm 2010) và Nhật Bản (năm 2023).
The Interpreter nhận định, việc nâng cấp mối quan hệ Campuchia - Australia có thể tăng cường hợp tác chiến lược và ngoại giao, hỗ trợ mục tiêu đa dạng hóa chính sách đối ngoại của Campuchia. Làm như vậy cũng sẽ phù hợp với Chiến lược kinh tế Đông Nam Á của Australia, công nhận tầm quan trọng của khu vực đối với sự tăng trưởng và ổn định trong tương lai của nước này.
Chính phủ Campuchia đang chuyển hướng sang chính sách đối ngoại đa dạng hơn, nhấn mạnh vào chính sách đa liên kết, ngoại giao kinh tế và quyền tự chủ chiến lược. Các cường quốc tầm trung như Australia, có liên minh với Mỹ và tiếp tục tập trung vào Đông Nam Á, đóng vai trò trung tâm trong tầm nhìn này.
Với việc Phnom Penh tìm cách củng cố mối quan hệ với các đối tác ngoài Mỹ và Trung Quốc để cân bằng sự tham gia quốc tế của mình, Australia là một đối tác thương mại và ngoại giao hấp dẫn.
Hai nước đều hưởng lợi từ việc nâng cấp quan hệ
Một thỏa thuận CSP với Australia sẽ phù hợp với khẩu hiệu chính sách đối ngoại mới của Phnom Penh: "Giữ bạn cũ và củng cố quan hệ với bạn mới".
Theo The Interpreter, việc hợp tác với các quốc gia như Australia có thể giúp Campuchia giảm sự phụ thuộc vào các cường quốc bằng việc có được các lựa chọn chính sách đối ngoại đa dạng, trong bối cảnh môi trường địa chính trị ngày càng phức tạp. Mở rộng bộ công cụ chính sách đối ngoại của mình dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Hun Manet, CSP sẽ củng cố vị thế của Campuchia trong ASEAN, đồng thời tạo ra các cơ hội hợp tác vượt ra ngoài sự phụ thuộc vào Trung Quốc.
Australia cũng sẽ được hưởng lợi. CSP sẽ báo hiệu sự công nhận của Canberra về tầm quan trọng của Campuchia trong Chiến lược kinh tế Đông Nam Á của Australia.
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Campuchia sẽ trở thành nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực vào năm 2025. Việc tích hợp Campuchia vào chiến lược ASEAN rộng lớn hơn của Australia sẽ củng cố sự hiện diện của nước này tại Đông Nam Á, củng cố cam kết của Australia đối với sự ổn định và thịnh vượng trong khu vực.
Việc củng cố mối quan hệ với Phnom Penh và giải quyết các nhu cầu của Campuchia cũng giúp Canberra duy trì sự hiện diện ở Đông Nam Á. Vì Campuchia có thể coi các cường quốc tầm trung như Australia là đáng tin cậy và trung lập hơn các cường quốc hàng đầu đầy quyết đoán, điều này có thể giúp định hình động lực khu vực theo hướng có lợi cho Canberra.
Một số ý kiến có thể lập luận rằng mối quan hệ chặt chẽ của Campuchia với Trung Quốc khiến nước này trở thành đối tác kém khả thi hơn đối với Australia. Nhưng The Interpreter nhận định rằng suy nghĩ đó là một sai lầm.
Một cường quốc khu vực khác là Nhật Bản đã chứng minh rằng việc hợp tác với Campuchia là khả thi và cần thiết. Đáng chú ý, chính phủ Nhật đã đầu tư hơn 80 tỷ yên (564 triệu USD) kể từ năm 1999 để mở rộng một cảng ở thành phố Sihanoukville của Campuchia. Cảng này sẽ được nâng công suất gấp gần 5 lần vào năm 2030.
Liên minh châu Âu (EU) đã đầu tư hơn 1,5 tỷ USD vào tài trợ hợp tác với Campuchia từ năm 1992 đến năm 2023, hỗ trợ các dự án lớn trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Theo The Interpreter, dù nâng cấp quan hệ với Australia nhưng các khoản đầu tư kinh tế đáng kể và mối quan hệ chiến lược của Bắc Kinh với Campuchia chắc chắn sẽ tiếp tục là ưu tiên của Phnom Penh.
Việc ký kết CSP với Australia có thể đem lại một lựa chọn khác, một nền tảng trong chính sách đối ngoại rộng lớn hơn của Campuchia, đóng vai trò là cầu nối để hợp tác với các quốc gia phương Tây và cộng đồng quốc tế rộng lớn hơn trong khi vẫn duy trì quyền tự chủ.
Để hợp tác hiệu quả với Campuchia, Australia phải nhận ra rằng họ không thể sánh được với sức mạnh tài chính của Trung Quốc. Mặc dù các chi tiết của CSP vẫn chưa được công khai, Canberra cần tận dụng lợi thế so sánh của mình trong giáo dục, phát triển năng lực chính phủ, công nghệ liên quan đến biến đổi khí hậu và đổi mới sáng tạo.
Mối quan hệ Australia - Campuchia phản ánh động lực đang phát triển của một khu vực Đông Nam Á ngày càng trở nên quan trọng đối với chính trị quyền lực toàn cầu. The Interpreter nhận định, khi Phnom Penh cân bằng mối quan hệ với Mỹ và Trung Quốc, Australia có thể và nên cung cấp các cơ hội quan trọng để Campuchia duy trì quyền tự chủ và đa dạng hóa chính sách đối ngoại của mình.
Theo Hữu Hiển (Nguoiduatin.vn)