Lượng ngân sách mà F-35 đã ngốn ngang với GDP một năm của nước Úc. Dự án T-50 thì đang có dấu hiệu bị chậm lại hơn dự kiến.
Hai dự án chiến đấu cơ tàng hình J-20 và J-31 của Trung Quốc đang "im hơi lặng tiếng", nhưng khả năng cao cũng đang gặp nhiều vấn đề khó tháo gỡ, khi mà Bắc Kinh quyết định đặt mua tiêm kích Su-35 từ Nga, thay vì lập kế hoạch biên chế các tiêm kích mới.
Những dấu hiệu trục trặc xuất hiện đầu tiên ở dự án chiến đấu cơ F-22 vào năm 2011. Không quân Mỹ đã yêu cầu dừng dây chuyền lắp ráp sau khi đã hoàn thiện được 187 chiếc. Số lượng này vẫn còn quá ít so với nhu cầu của Mỹ.
Các vấn đề nghiêm trọng về cấu trúc lõi hệ thống trên các máy bay F-22 buộc dự án này phải dừng lại. Từ khi đi vào hoạt động năm 2005, chỉ có 40% số máy bay trên sẵn sàng hoạt động. Mất thêm 10 năm sửa lỗi và nâng cấp, con số này cũng chỉ lên tới 63%.
Chiến đấu cơ F-35A. |
Đến năm 2014, Hải quân Mỹ tiếp tục đặt mua 22 máy bay chiến đấu kiêm áp chế điện tử EA-18G Growler trị giá 2,14 tỷ USD. Hải quân Mỹ vẫn tin tưởng vào dòng máy bay EA-18, vốn được phát triển từ chiến đấu cơ F/A-18E và từ chối F-35, cho dù F-35 theo thiết kế có thể thay thế cả F/A-18E lẫn EA-18.
Theo tạp chí Công nghệ Không quân (Air Force Technology ) thì việc Hải quân Mỹ không hài lòng với F-35 xuất phát từ việc cho rằng chiến đấu cơ này không đủ khả năng hoạt động trong môi trường tác chiến "chống tiếp cận, chống xâm nhập" (học thuyết phòng thủ A2/AD).
Đại tá Michael W. Pietrucha của Không quân Mỹ từng phát biểu trên chuyên san Air & Space Power tháng 5-2014 rằng dự án F-35 đã tới lúc phải hủy bỏ.
"Ngay cả khi nó được tài trợ không giới hạn", Michael W. Pietrucha nói, "vẫn có đủ lý do để chấm dứt nó".
Mẫu máy bay nhằm thay thế tiêm kích F-22 hóa ra chỉ là một mẫu máy bay vô dụng, vô số vấn đề phát sinh đã làm xói mòn niềm tin của chính nước Mỹ và những quốc gia khách hàng.
Kinh nghiệm của Trung Quốc
Chiến đấu cơ J-20 của Trung Quốc bay biểu diễn ở triển lãm hàng không Chu Hải năm 2016. |
Trung Quốc lại tiến hành một lối đi riêng khi đồng thời phát triển 2 dự án chiến đấu cơ tàng hình song song gồm J-20 và J-31 bởi hai cục thiết kế khác nhau.
Có vẻ J-20 sẽ trở thành chiến đấu cơ chủ lực của Không quân Trung Quốc (PLAAF), còn J-31 nhắm tới thị trường xuất khẩu vũ khí. Mặc dù Cục Phòng vệ Mỹ cảnh báo có thể trong năm 2018 các chiến đấu cơ J-20 sẽ công khai đi vào hoạt động, nhưng nỗi lo lắng này có lẽ đã bị thổi phồng quá mức.
Bắc Kinh vừa quyết định đặt mua 24 chiến đấu cơ thế hệ 4+ Su-35 từ Nga. Đây là dấu hiệu cho thấy cả dự án J-20 và J-31 đều đang gặp vấn đề, mặc cho những hoạt động phô diễn của 2 loại máy bay này trước các triển lãm hàng không gần đây.
Dường như lý do duy nhất khiến Trung Quốc mua Su-35 là để đánh cắp công nghệ động cơ.
Hiện tại, máy bay chiến đấu của Trung Quốc vẫn sử dụng một lượng lớn các động cơ có nguồn gốc từ Nga. Các động cơ này không có khả năng duy trì tốc độ siêu âm mà không cần đốt sau, một đặc tính cần thiết của các máy bay tàng hình. Vì vậy, Trung Quốc phải tạm chấp nhận sử dụng tiêm kích thế hệ 4,5 trong thời gian tới.
Những vấn đề bắt đầu ở nước Nga
Dự án chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 PAK-FA của Nga đã cho ra đời mẫu T-50 với khả năng tàng hình chưa tối ưu.
Trong vài năm phát triển vừa qua, chương trình đã gặp phải một số vấn đề, khiến cả Nga và Ấn Độ (đối tác của Moskva trong chương trình này) phải cắt giảm kế hoạch ban đầu là trang bị hàng trăm máy bay loại này.
Có vẻ, Kremlin đã bắt đầu hiểu được những gì mà Mỹ học được trong những năm qua. Đó là phát triển máy bay chiến đấu tàng hình không hề dễ dàng.
Tương tự như Trung Quốc, Nga cũng đã quyết định tìm kiếm sự an ủi ở các máy bay chiến đấu thế hệ 4,5. Những máy bay này hoặc không có hoặc chỉ có một vài đặc tính tàng hình.
Su-35 và Su-30SM (phát triển dựa trên phiên bản Su-30MKI dành cho Ấn Độ) là 2 mẫu máy bay sẽ tạm thời lấp đi chỗ trống trong khi dự án tiêm kích thế hệ thứ 5 còn đang gặp một số trợ ngại cần giải quyết.
Vai trò của chiến đấu cơ tàng hình trong các năm tới
Máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5 F-22 của Không quân Mỹ |
Đối với nước Mỹ, giải pháp hiện nay là đưa các chiến đấu cơ tàng hình F-22 vào các đội hình chiến đấu mới với vai trò chỉ huy, tuy nhiên vẫn giữ lại các chiến đấu cơ đời cũ hơn như F-15 làm nhiệm vụ tác chiến chính.
Tạp chí phân tích quân sự Mỹ Strategy Page bình luận: Trong đội hình chiến đấu mới, F-15 sẽ dựa vào các cảm biến thụ động vượt trội trên F-22 để có thể phát hiện các mục tiêu sớm từ xa và dùng các tên lửa không đối không tầm xa (AMRAAM) tiêu diệt đối phương trước khi chúng kịp phản ứng.
Không quân Mỹ đã nâng cấp 178 máy bay F-15 lên chuẩn "Golden Eagle" với radar quét mảng pha điện tử chủ động (AESA) và cảm ứng điện tử thụ động tương thích với hệ thống trên F-22, giúp chúng phối hợp linh hoạt mà không bị phát hiện.
Máy bay chống phản xạ sóng radar thường tốn kém nhiều thời gian thiết kế, thử nghiệm kéo dài, nguyên vật liệu chế tạo thường thuộc loại hiếm và đắt đỏ. Những đặc điểm đó đã đẩy giá của một chiến đấu cơ tàng hình lên 2-3 lần so với loại truyền thông, ít hoặc không tàng hình.
Nhà báo quốc phòng David Axe - cây viết có tiếng trên trang mạng War is Boring bình luận:
"Ngay cả có giá thành cao, các lực lượng không quân trên thế giới vẫn đổ xô mua máy bay tàng hình, bởi tính năng chống phát hiện trên lý thuyết sẽ mang lại lợi thế lớn trong không chiến và không kích nhanh gọn.
Nhưng thuyết đối lập về tác chiến trên không cho rằng khả năng tàng hình đã được đánh giá quá cao. Không quân vẫn nên trang bị số lượng lớn các máy bay truyền thống, không có khả năng tàng hình nhưng giá thành rẻ hơn".
Trong ít nhất 2 thập niên tới, khoản chi phí khổng lồ để phát triển, mua sắm và duy trì các chiến đấu cơ tàng hình có lẽ sẽ khiến chúng chỉ được đưa vào sử dụng dè xẻn, chủ yếu phục vụ các nhiệm vụ đánh đêm và phải được hộ tống bởi các chiến đấu cơ thế hệ 4.
Chiến lược này đã làm xáo trộn ý tưởng sử dụng máy bay chiến đấu tàng hình trong không chiến, và tạo cảm giác sự ra đời của chúng chỉ mang giá trị về mặt tâm lý số đông, tức là "Họ có thì mình cũng phải có".
Theo Minh Hoàng (Soha.vn/Trí Thức Trẻ)