Dưới thời Tần Thủy Hoàng, màu đen được chọn là quốc sắc. Theo đó, từ hoàng đế, quan lại cho đến dân thường đều sử dụng màu sắc này khá phổ biến trong sinh hoạt hàng ngày.
Tần Thủy Hoàng cũng may long bào mới màu đen là chủ đạo. Do đó, màu đen được coi là biểu tượng của sự cao quý và quyền lực. Điều này khiến nhiều người tò mò vì sao triều đại nhà Tần chuộng màu sắc này đến vậy.
Theo các nhà nghiên cứu lịch sử, người xưa để cập đến “Ngũ đức thủy chung thuyết” có nghĩa lấy “Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ” để giải thích cho sự khởi nguồn của vạn vật.
Về sau, “Âm dương học thuyết” lý giải màu đen đại diện cho Thủy, màu vàng chỉ Thổ.
Do đó, sau khi thống nhất 6 nước chư hầu, Tần Thủy Hoàng mời các chuyên gia phong thủy, thầy tướng số vào cung để xem vận mệnh tương lai của nhà Tần.
Nhờ vậy Tần Thủy Hoàng biết được triều Chu đại diện cho Hỏa trong khi nhà Tần là Thủy. Vì vậy, ông hoàng đầu tiên của đất nước Trung Quốc thống nhất chọn màu đen là quốc sắc của triều Tần.
Ngoài ra, các chuyên gia còn tìm được một cách lý giải khác. Đó là Tần Thủy Hoàng rất coi trọng thuyết âm dương ngũ hành. Tương truyền, dưới thời vua Tần, một con rồng màu đen từng xuất hiện ngoài kinh thành.
Biết được điều này, Tần Thủy Hoàng cho rằng đó là điềm báo cho thấy nhà Tần đang thiếu yếu tố Thủy trong "ngũ hành".
Vì vậy, Tần Thủy Hoàng đã chọn màu đen - tượng trưng cho Thủy làm quốc sắc cũng như may long bào bằng màu này.
Không những vậy, Tần Thủy Hoàng còn đổi tên sông Hoàng Hà thành "Đức Thủy", quy định các quan phục thượng triều của hạ thần đều là màu đen... Cứ như vậy, màu đen trở thành màu sắc phổ biến và có ý nghĩa quan trọng đối với nhà Tần.
Theo Tâm Anh (Kienthuc.net.vn)