Trong lịch sử gần 300 năm nhà Minh, có một thời kỳ rất phức tạp, đó là thời gian trị vì của 2 vị Hoàng đế Minh Anh Tông Chu Kỳ Trấn và Minh Đại Tông Chu Kỳ Ngọc.
Minh Anh Tông là vị Hoàng đế thứ 6 và thứ 8 của nhà Minh trong lịch sử Trung Hoa, là người duy nhất đăng cơ 2 lần. Sau khi Minh Anh Tông bị bắt ở Sự biến Thổ Mộc bảo, em trai của ông là Chu Kỳ Ngọc đã kế vị, trở thành Minh Đại Tông.
Sau này, triều đình dùng vàng bạc chuộc Minh Anh Tông về nhưng Minh Đại Tông đã giam lỏng Minh Anh Tông đề phòng anh trai phục vị. Tuy nhiên, sau một cuộc chính biến, Minh Anh Tông đã thoát khỏi sự giám sát đó và lấy lại hoàng vị của mình.
Vị Hoàng hậu được người đời cảm thán là vị Hoàng hậu bất hạnh nhất triều nhà Minh chính là Túc Hiếu Hàng Hoàng hậu, vị Hoàng hậu thứ 2 của Minh Đại Tông. Hàng thị được gả cho Chu Kỳ Ngọc từ khi ông còn là Thành Vương và hạ sinh con trai Chu Kiến Tề.
Năm 1449, sau khi Minh Đại Tông đăng cơ, ông lập Vương phi Uông thị làm Hoàng hậu, lập Thứ phi Hàng thị làm Quý phi.
Vào thời điểm Minh Anh Tông trở thành tù binh của kẻ địch, Minh Đại Tông kế vị thì vị trí Thái tử vẫn thuộc về Chu Kiến Thâm, con trai trưởng của Minh Anh Tông. 3 năm sau khi lên ngôi, Minh Đại Tông đã hạ lệnh phế bỏ Thái tử Chu Kiến Thâm và lập Chu Kiến Tề làm Thái tử.
Tuy nhiên, quyết định phế Thái tử đã bị Uông Hoàng hậu phản đối. Chứng kiến Hoàng hậu của mình chống lại ý vua chỉ vì con trai kẻ khác, Minh Đại Tông đã nổi giận và phế truất ngôi vị Hoàng hậu của Uông thị. Sau đó, ông lập Quý phi Hàng thị làm Hoàng hậu.
Trên thực tế, Hàng thị rất bất hạnh bởi khi còn là thiếp của Thành vương Chu Kỳ Ngọc, bà không được yêu thương. Khi sinh con trai cũng không được quan tâm nhiều hơn. Mãi đến khi con trai trở thành Thái tử thì Hàng thị mới được xem trọng. Nhưng quãng thời gian tươi đẹp đó không kéo dài bởi vì Thái tử Chu Kiến Tề qua đời khi mới 5 tuổi.
Sau khi trải qua những năm tháng thăng trầm, lại thêm đau buồn quá độ trước cái chết yểu của con trai và lo lắng về tương lai của bản thân, Hàng thị đã qua đời năm 1456 sau một cơn bạo bệnh, được ban thụy hiệu là Túc Hiếu Hoàng hậu.
Năm 1457, Minh Anh Tông phục vị và phế truất Minh Đại Tông đang bệnh nặng. Nhưng chỉ vài ngày sau thì Minh Đại Tông qua đời. Có lẽ bởi vì Minh Anh Tông đã từng "ngã" khỏi vị trí tối cao, nếm đủ mọi ấm ức trên đời nên trong lòng luôn ôm hận. Sau khi đăng cơ lần thứ 2, Minh Anh Tông liền thực hiện kế hoạch báo thù, trong đó có cả Hàng Hoàng hậu đã chết.
Minh Anh Tông hận Hàng Hoàng hậu vì đã sinh ra Chu Kiến Tề, khiến con trai ông bị phế bỏ. Ông cũng chán ghét nữ nhân này chỉ vì cho rằng bà không biết thân biết phận, cố gắng tranh giành vị trí vốn không thuộc về mình. Tất cả nợ nước thù nhà, Minh Anh Tông gần như trút hết vào Hàng thị.
Đầu tiên, Minh Anh Tông tước bỏ tước vị Hoàng hậu của Hàng thị, hạ lệnh cấm gọi Hàng thị là Hoàng hậu. Sau đó, Hoàng đế còn cho người phá hủy lăng mộ và áo quan của Hàng thị, khiến thi thể của bà mất tích. Trong chính sử của nhà Minh cũng không có ghi chép về Hàng thị, chỉ có công nhận Uông thị là Hoàng hậu.
Nguồn: Sohu, Baidu
Theo Thùy Linh (Pháp luật và Bạn đọc)