Vị hoàng đế một đêm thị tẩm tới 30 mỹ nữ, không màng chính sự, khiến nhà Tống diệt vong

12/05/2022 08:23:20

Lên ngôi năm 25 tuổi, vốn dĩ đã yếu đuối bạc nhược, lại quá háo sắc, trị vì được 10 năm thì Tống Độ Tông đổ bệnh rồi qua đời.

Sử sách Trung Quốc ghi chép lại, Tống Độ Tông (1240 – 1274), tự Triệu Mạnh Khải, là hoàng đế thứ 15 của nhà Tống trong lịch sử Trung Hoa và là hoàng đế thứ 6 của nhà Nam Tống.

Tống Độ Tông là con trai của Vinh vương Triệu Dữ Nhuế, cháu của Tống Lý Tông – hoàng đế thứ 14. Vì Lý Tông không có con nên đã nhận Mạnh Khải làm hoàng thái tử.

Năm 1264, Tống Lý Tông qua đời, Mạnh Khải lên ngôi hoàng đế ở tuổi 24. Trong thời gian nắm quyền, Tống Độ Tông ham mê tửu sắc, xa xỉ lãng phí khiến đời sống nhân dân khốn khổ.

Trong suốt 10 năm trị vì, Tống Độ Tông không màng đến chuyện xây dựng quân đội để lo chống ngoại xâm, mà chỉ ngày ngày uống rượu tiêu sầu, đêm đêm ôm mỹ nữ.

Vị hoàng đế một đêm thị tẩm tới 30 mỹ nữ, không màng chính sự, khiến nhà Tống diệt vong

Vị hoàng đế này không chỉ mong muốn trường sinh bất lão, mà còn hy vọng duy trì được mãi khả năng phòng the mạnh mẽ hơn người. Ngoài việc thường xuyên dùng “tiên đơn bất lão dược”, Tống Độ Tông còn cho người lùng kiếm “tráng dương dược” khắp chốn để có sức hoan lạc với người đẹp trong cung.

Sách “Tục tư trị thông giám. Tống kỷ” do Tất Nguyên biên soạn vào đời Hoàng đế Càn Long hiện còn lưu được bản gốc đã chép về sự dâm loạn của Tống Độ Tông như sau:

“Hoàng đế (Tống Độ Tông Triệu Kỳ) từ khi còn làm thái tử đã nổi tiếng là kẻ háo sắc. Sau khi lên ngôi càng chìm đắm trong tửu sắc. Có chuyện rằng, theo quy định của hậu cung lúc bấy giờ, nếu như cung phi nào đêm hôm trước được Hoàng đế sủng hạnh thì sáng sớm hôm sau phải tới cửa Hợp Môn để cảm tạ ơn mưa móc sủng hạnh của Hoàng đế.

Các thái giám chủ quản sẽ ghi chép đầy đủ tên tuổi, ngày tháng mà phi tần đó được sủng hạnh để tiện việc theo dõi khi các phi tần này mang long chủng. Triệu Kỳ khi mới lên ngôi, có ngày thái giám chủ quản thấy cửa Hợp Môn có tới hơn 30 phi tần trong cung tới để tạ ơn”.

Trong số các đại thần nhà Tống lúc bấy giờ, Thái sư Giả Tự Đạo- công thần dưới thời Tống Lý Tông- nổi lên là người có ảnh hưởng nhất.

Vị hoàng đế một đêm thị tẩm tới 30 mỹ nữ, không màng chính sự, khiến nhà Tống diệt vong - 1
Tranh cổ hoạ chân dung Tống Độ Tông Triệu Kỳ. Ảnh: QuLishi

Giả Tự Đạo cậy có chị là Giả quý phi từng được hoàng đế Lý Tông sủng ái nên càng lấn tới. Thấy Tống Độ Tông yếu ớt dễ lừa gạt, Tự Đạo càng lấn tới, hành xử tùy tiện. Tự Đạo được hoàng đế Độ Tông ban đặc quyền mỗi lần vào triều được ngồi dâng tấu, khi đối đáp không cần xưng tên.

Tự Đạo còn nhiều lần giả bộ muốn từ quan về quê, khiến Độ Tông có lúc phải quỳ xuống xin, trao thưởng hết vàng bạc đến phong đất đai, càng khiến các quan lại bất bình.

Cùng lúc đó, quân Mông Cổ đang liên tiếp uy hiếp Tương Dương, Phàn Thành, là hai thành trì có ý nghĩa chiến lược ở vùng biên ải.

Ở kinh đô Lâm An, Giả Tự Đạo che giấu việc quân, không báo cho Độ Tông, để mặc Tương Dương, Phàn Thành nguy cấp.

Đến năm 1273, sau 5 năm cố thủ, Lã Văn Hoán dâng thành Tương Dương, quy hàng quân Mông Cổ. Với sức mạnh của máy bắn đá, quân Mông Cổ thỏa sức tràn vào lãnh thổ Nam Tống, khiến kinh đô Lâm An rúng động.

Tháng 11/1274, Tống Độ Tông khi đó mới 34 tuổi, qua đời sau một đêm trụy lạc

Sau đó, nhà Tống không còn một hoàng đế trưởng thành nào. Các hoàng đế lên ngồi đều còn rất nhỏ, không có khả năng điều hành chính sự, trong khi triều đình rối ren vì sức tấn công của Mông Cổ.

Năm 1279, Tống đế Bính, con trai thứ của Độ Tông, khi đó mới 8 tuổi, cùng hơn 10 vạn binh lính, quan lại và người hầu của nhà Tống, chết đuối trong trận chiến cuối cùng với quân Mông Cổ ở Quảng Đông. Nhà Tống chấm dứt từ đây.

Theo Mộc Miên (Đời sống & Pháp luật)