Venezuela: Khan hiếm thực phẩm, trường học cũng bị trộm

26/06/2016 10:59:00

Khi tình trạng khan hiếm thực phẩm ngày càng gia tăng ở Venezuela trong vài tháng vừa qua, tội phạm nước này đã nghĩ ra một địa điểm mới để trộm thực phẩm: các trường học.

Khi tình trạng khan hiếm thực phẩm ngày càng gia tăng ở Venezuela trong vài tháng vừa qua, tội phạm nước này đã nghĩ ra một địa điểm mới để trộm thực phẩm: các trường học.

“Phần lớn các trường học không có trang bị máy quay an ninh dù chúng tôi đã đề nghị nhiều lần với chính quyền” – ông Alexander Ramírez, đại diên của Fenasopadres, trả lời trang Fox News Latino.

Trong bố cảnh thực phẩm khan hiếm như hiện nay, bất cứ thứ gì có thể ăn được đều trở nên quý giá. “Chúng đánh cắp mọi thứ có thể, từ lúa mì tới bơ, sữa và rau củ” – ông Ramírez nói thêm.

Giá của hầu hết sản phẩm này do chính phủ quản lý. Điều này dẫn đến sự xuất hiện của thị trường chợ đen nơi hàng hóa được bán với giá cao hơn.

 Người dân Venezuela xếp hàng chờ mua thực phẩm tại siêu thị. Ảnh: REUTERS
Người dân Venezuela xếp hàng chờ mua thực phẩm tại siêu thị. Ảnh: REUTERS

Ông Ramirez cho rằng phần lớn thực phẩm bị đánh cắp tại trường nhằm bán lại với giá cao hơn. Tình trạng này trở nên đặc biệt nghiêm trọng đối với những học sinh có nguồn dinh dưỡng gần như phụ thuộc hoàn toàn vào thức ăn ở trường do kinh tế gia đình gặp khó khăn.

Theo một cuộc khảo sát gần đây, trong số 2.581 học sinh lớp 6 và 148 giáo viên ở bang Miranda, có tới 69% người cho biết họ đang phải ăn ít đi do không còn thức ăn ở nhà. Có tới 27% học sinh tiết lộ các bữa ăn ở trường có khi trở thành bữa ăn duy nhất vào ít nhất 1 ngày trong tuần.

Cũng trong cuộc khảo sát trên, 55% học sinh cho biết các em phải nghỉ học để xếp hàng lấy thức ăn cùng cha mẹ trong khi 58% giáo viên thừa nhận họ cũng phải nghỉ dạy một số ngày để dành thời gian mua thực phẩm

“Tình trạng này hết sức tồi tệ. Các giáo viên thông báo vài học sinh còn ngất xỉu giữa lớp vì được ăn quá ít. Trong quá khứ, dịch vụ ăn uống ở trường tốt hơn bây giờ. Các học sinh thường được nhận sữa uống mỗi ngày vào bữa sáng. Giờ đây, có khi chúng chỉ được phát cho một cái bánh quy” – ông Ramirez lo lắng cho biết..

Mặc dù trường học được xem là nơi cung cấp thức ăn đáng tin cậy nhưng tình trạng khan hiếm trên diện rộng vẫn khiến tỷ lệ nghỉ học, nghỉ dạy tăng lên. Số lượng trẻ em đến trường đã đạt mức thấp nhất tại bang Miranda kể từ năm 2011.

Theo Bảo Hạnh (Nld.com.vn)