Khi xung đột Israel – Hamas bùng nổ, câu hỏi đang được đưa ra về việc lực lượng Hamas lấy kinh phí từ đâu để duy trì hoạt động như vậy.
Theo trang Firstpost (Ấn Độ), có vẻ như tiền điện tử có thể là câu trả lời, và Ấn Độ cũng có liên quan.
Từ Delhi đến Hamas
Một liên kết tiền điện tử từ Delhi đến ví blockchain của lực lượng Hamas hiện đã thu hút sự chú ý trở lại trong bối cảnh xung đột tại Trung Đông. Vụ việc bắt đầu khi Phòng Đặc nhiệm của Cảnh sát Delhi điều tra một vụ trộm tiền điện tử.
Tờ Times of India (Ấn Độ) đưa tin, vào năm 2019, một doanh nhân ở tây Delhi đã báo cảnh sát về vụ một số người không rõ danh tính lấy cắp tiền điện tử của ông ta. Vào thời điểm đó, người này sở hữu 6,2 đồng Bitcoin, 9,79 đồng Etherum và 2,44 đồng Bitcoin Cash trong ví tiền điện tử blockchain.
Đơn vị Điều hành Chiến lược & Tổng hợp Tình báo (IFSO) của Phòng Đặc nhiệm sau đó bắt đầu điều tra sâu và tìm thấy mối liên hệ với ví blockchain của một số thành viên lữ đoàn Al Qassam - cánh quân sự của Hamas.
Các nhà chức trách Ấn Độ tiết lộ rằng, họ có thể xác định được mối liên hệ sau khi Cơ quan tình báo quốc gia Israel (Mossad) chia sẻ thông tin về các ví blockchain nghi ngờ do các nhóm quân sự vận hành vì mục đích gây quỹ.
Sau khi được thông báo về mối liên hệ, các nhà điều tra Ấn Độ đã tìm hiểu sâu hơn và phát hiện một trong những chiếc ví thuộc về Naseer Ibrahim Abdulla ở Gaza, trong khi những chiếc ví khác được liên kết với các thành viên Hamas như Ahmed Marzooq ở Giza (Ai Cập) và Ahmed QH Safi ở Ramallah (Palestine).
KPS Malhotra - cựu Phó ủy viên cảnh sát Phòng Đặc nhiệm – xác nhận với Times of India rằng: "Đúng vậy, cuộc điều tra của chúng tôi đã dẫn chúng tôi đến một số ví có liên quan đến lữ đoàn Al Qassam."
Ông nói thêm rằng, trước khi tiền điện tử bị đánh cắp lọt vào ví blockchain của các thành viên Hamas, chúng đã được chuyển qua nhiều ví riêng tư khác.
Hamas gây quỹ bằng tiền điện tử rất tinh vi
Tin tức về vụ việc tại Ấn Độ lại nổi lên vào thời điểm Israel đã đóng băng các tài khoản tiền điện tử được sử dụng để kêu gọi quyên góp cho lực lượng Hamas trên mạng xã hội.
Reuters đưa tin, Cảnh sát Israel cho biết: "Theo những nghi ngờ, khi chiến tranh bùng nổ, Hamas đã khởi xướng một chiến dịch gây quỹ trên mạng xã hội, kêu gọi mọi người gửi tiền điện tử vào tài khoản của họ."
"Đơn vị Cảnh sát Mạng và Bộ Quốc phòng [Israel] đã ngay lập tức hành động để xác định và đóng băng các tài khoản này, với sự hỗ trợ của sàn giao dịch tiền điện tử Binance, nhằm chuyển tiền vào kho bạc nhà nước [Israel]", Cảnh sát Israel cho biết.
Theo Wall Street Journal, ít nhất là từ năm 2019, Hamas đã gây quỹ bằng bitcoin để lách các quy định. Theo đó, nhóm vũ trang này đã nhận được gần 41 triệu USD từ các khoản thanh toán kỹ thuật số.
Theo một cuộc điều tra của nền tảng blockchain TRMLabs, các nỗ lực gây quỹ của Hamas đã tăng lên trước cuộc tấn công vào Israel hôm 7/10. Ví dụ: GazaNow - một nhóm có trụ sở tại Gaza đang tích cực hỗ trợ Hamas - đã nhận được tổng cộng gần 800.000 USD, và gần 5.000 USD kể từ sau sự kiện ngày mùng 7.
Theo Firstpost, đáng chú ý, đây không phải là lần đầu tiên Israel cảnh báo vấn đề tiền điện tử được sử dụng để tài trợ cho Hamas. Vào tháng 7/ 2021, Israel đã phát hiện ra một "website ví điện tử" được Hamas sử dụng để gây quỹ bằng Bitcoin và các loại tiền điện tử khác và bắt đầu kiểm soát chúng.
Vào ngày 31/12 cùng năm, Israel đã thu giữ thêm 830.000 USD tiền điện tử từ một công ty thu đổi tiền mà Hamas điều hành ở Dải Gaza, có tên là Mutahidoon.
Theo tờ Hayom (Israel), mạng lưới tài chính này "đã bị vạch trần trong một hoạt động chung liên quan đến Tình báo IDF [Lực lượng Phòng vệ Israel], Trụ sở Quốc gia về Chống khủng bố Kinh tế tại Bộ Quốc phòng, Đơn vị mạng Lahav 443 của Cảnh sát Israel và Đơn vị mạng của Văn phòng Luật sư Nhà nước Israel."
Một cựu quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ từng nói với Wall Street Journal rằng, Hamas được coi là một trong những tổ chức gây quỹ bằng tiền điện tử tinh vi nhất.
Quan chức này cho biết, Hamas gây quỹ bằng tiền điện tử thông qua phương tiện truyền thông xã hội để lách cấm vận từ các nhà băng quốc tế.
Theo Firstpost, ngoài Hamas, phong trào Thánh chiến Hồi giáo Palestine (PIJ) và Hezbollah cũng được phát hiện đã gây quỹ thông qua tiền điện tử.
Elliptic - một nhà cung cấp phân tích tiền điện tử - tiết lộ, PIJ đã huy động được 93 triệu USD tiền điện tử từ tháng 8/2021 đến tháng 6/2023.
Firstpost nhận định, do tính ẩn danh và không thể truy cập của tiền điện tử, không có gì ngạc nhiên khi các nhóm như Hamas đang chọn các gây quỹ bằng loại tiền này.
Liên Hợp Quốc từng cho biết, các cuộc tấn công được hỗ trợ bằng tiền điện tử đã tăng gấp 4 lần trong những năm gần đây.
Theo Hữu Hiền (Nhịp sống thị trường)