Vén màn đường dây làm ăn đen tối của Thiếu Lâm Tự

09/08/2015 23:14:42

Nhiều phương thuốc "bí truyền" đã được Thiếu Lâm Tự bán ra thị trường, nhưng trên thực tế, doanh nghiệp dược của nhà chùa mới chỉ được cấp phép hoạt động trong lĩnh vực… mỹ phẩm.

Nhiều phương thuốc "bí truyền" đã được Thiếu Lâm Tự bán ra thị trường, nhưng trên thực tế, doanh nghiệp dược của nhà chùa mới chỉ được cấp phép hoạt động trong lĩnh vực… mỹ phẩm.
Cục dược Thiếu Lâm là “doanh nghiệp sản xuất mỹ phẩm”
 
“Từ cổ chí kim, Thiếu Lâm Tự nổi tiếng khắp trong và ngoài nước với “ tam vị nhất thể”: thiền – y – võ. Phật môn y tông của Cục dược Thiếu Lâm được hình thành vào năm 1217.
 
Dựa trên kinh nghiệm chữa bệnh nhiều năm, các nhà sư không ngừng nỗ lực nghiên cứu, đã bài chế ra những phương thuốc bí truyền, lưu truyền ngàn năm.”
 
Đó là lời giới thiệu trên trang web chính thức của Cục dược Thiếu Lâm, khi đơn vị này chính thức khôi phục, hoạt động trở lại vào năm 2004.
 

Cục dược Thiếu Lâm - nơi diễn ra các hoạt động sản xuất kinh doanh hàng loạt các loại dược phẩm chưa được cấp phép.

 
Tân Hoa xã dẫn thông tin có được từ phòng Công thương thành phố Đăng Phong cho hay , Cục dược Thiếu Lâm tên đầy đủ là Công ty TNHH Cục dược Thiếu Lâm Đăng Phong, người đại diện pháp lý là Thích Vĩnh Càn.
 
Phạm vi kinh doanh được giới hạn gồm đóng gói và bán lẻ thực phẩm, sản xuất kinh doanh thực phẩm chức năng, thuốc diệt khuẩn và dầu xoa.
 
Trên trang web của Công ty này hiện có 12 loại sản phẩm khác nhau đang được bán như rượu thuốc, cao dán, thuốc Canxi và các loại “dược phẩm dùng ngoài da”.
 
Tuy nhiên, theo điều tra của báo Thanh niên Bắc Kinh, tất cả các sản phẩm này đều đang được sản xuất và bán “chui”, bởi Cục dược Thiếu Lâm chưa từng được cơ quan chức năng có thẩm quyền tỉnh Hà Nam cấp phép đối với những sản phẩm này.
 
Thứ duy nhất mà Cục dược Thiếu Lâm có, đó là giấy phép sản xuất mỹ phẩm, nhưng mặt hàng đó lại không được sản xuất.
 
11 năm hoạt động “chui”
 
Cục dược Thiếu Lâm được thành lập lần đầu tiên vào năm 1217 và được khôi phục, mở cửa trở lại vào năm 2004.
 
Theo điều tra của báo Thanh niên Bắc Kinh, trên website của Cục giám sát quản lý Thực phẩm và Dược phẩm thành phố Đăng Phong, tỉnh Hà Nam, chỉ có thể tìm thấy các thông tin cho thấy doanh nghiệp dược của Thiếu Lâm Tự là một công ty sản xuất mỹ phẩm.
 
Tất cả các dược phẩm khác như cao, dầu…  và hoạt động sản xuất, kinh doanh bán buôn bán lẻ liên quan đến các sản phẩm trên của Cục dược Thiếu Lâm đều chưa từng được cấp phép hợp pháp.
 

Một loại cao dán bán rất chạy của Cục dược Thiếu Lâm.

 
Các nhân viên làm việc tại đây nói rằng, sản phẩm của Cục dược Thiếu Lâm đều được cấp số hiệu lô hàng một cách chính thức.
 
Tuy nhiên, báo Thanh niên Bắc Kinh cũng đã khui ra sự thật, rằng đơn vị này chỉ có hai dòng sản phẩm được cấp số hiệu và nơi cấp là một tổ chức dân gian, chứ không phải một cơ quan chức năng có thẩm quyền.
 
Tân Hoa xã dẫn thông tin từ Cục giám sát quản lý Thực phẩm và Dược phẩm thành phố Đăng Phong khẳng định, Cục dược Thiếu Lâm không hội tụ đủ điều kiện sản xuất và kinh doanh như những gì họ đã làm trong suốt thời gian qua.
 
Ngoài ra, những sản phẩm được tiêu thụ trên website của Công ty này chỉ có thể xếp vào dòng sản phẩm chức năng, chứ không thể là dược phẩm chính thức của quốc gia.
 
Cho đến ngày 3/8 vừa qua, trước sự vào cuộc của báo chí và sự chú ý đặc biệt của dư luận, Cục dược Thiếu Lâm mới tiến hành làm thủ tục xin giấy cấp phép của Cục giám sát quản lý Thực phẩm và Dược phẩm thành phố Đăng Phong.
 
Động thái này, không nằm ngoài mục đích hợp pháp hóa việc kinh doanh thuốc thiếu minh bạch của Thiếu Lâm Tự trong suốt hơn một thập kỷ qua.
 
>> Phương trượng Thiếu Lâm Tự bị tố có con riêng, bán thuốc giả
>> Trung Quốc truy tìm người tố cáo sư trụ trì Thiếu Lâm tự
>> Tiết lộ thông tin Phương trượng Thiếu Lâm dan díu, có 2 con riêng
>> Sư trụ trì chùa Thiếu Lâm bỏ trốn?
>> Rò rỉ tin sư trụ trì Thiếu Lâm Tự từng bị đuổi khỏi chùa
>> Sư trụ trì Thiếu Lâm tự bị tố quan hệ tình dục với ni cô
 
Theo Nguyễn Nhung (Soha.vn/Trí Thức Trẻ)

Nổi bật