Do ảnh hưởng của những bộ phim truyền hình cổ trang, lịch sử thời nhà Thanh, đặc biệt là cuộc sống và mối quan hệ của các phi tần trong cung luôn nhận được nhiều sự quan tâm.
Bắt đầu từ năm 1991, với khúc dạo đầu là bộ phim "Hý thuyết Càn Long", đến năm 1998, “Hoàn Châu Cách Cách” đã đi vào tuổi thơ của biết bao người, đẩy phim cổ trang cung đình Trung Quốc lên một tầm cao mới.
Sau này còn có “Diên Hi Công Lược”, “Hậu cung Chân Hoàn truyện”, “Như Ý truyện”... Tất cả tạo nên một ấn tượng sâu sắc cho khán giả về cuộc sống trong cung cấm nguy nga đầy hung hiểm, phi tần đấu đá và những số phận chôn vùi trong đình đài lầu cao.
Trên thực tế, cuộc sống chốn hậu cung không hề đơn giản.
“Hồng nhan chưa già mà ân tình đã đoạn, dựa vào lồng hương ngồi đến sáng”, “Chán chường nằm một mình, búng ngón tay đã hết thời gian”, “Nửa đêm có hẹn mà không tới, nhàn rỗi gõ quân cờ nhìn đèn hoa”, “Nhàn rỗi vô vị lại chẳng thong dong, mặt trời bên cửa sổ phía Đông đã đỏ rực”... (tạm dịch)
Những câu thơ này không chỉ thể hiện nỗi cô đơn, tịch mịch của tác giả mà còn là miêu tả chân thực về cuộc sống của phi tần nhà Thanh: Chán. Vậy nó nhàm chán đến mức nào?
1. Lịch trình dày đặc, kiểm soát nghiêm ngặt
Để trở thành nữ nhân của hoàng đế, các cô gái phải trải qua quá trình tuyển chọn nghiêm ngặt vô cùng. Tuy nhiên, ngay cả khi được thông qua quy trình ấy, cuộc sống của những phi tần này cũng không được sung sướng mà ngược lại, họ sẽ phải chịu rất nhiều ràng buộc và hạn chế, điều đầu tiên cần tuân thủ chính là hệ thống lễ nghi phức tạp trong cung.
Theo đó, khi trở thành phi của hoàng đế, hàng ngày, các phi tần sẽ đều phải dậy từ lúc 5h sáng để chuẩn bị y phục, sửa soạn gọn gàng để kịp đến thỉnh an hoàng hậu và thái hậu vào sáng sớm và lặp lại nghi thức này một lần nữa vào buổi tối.
Tối đến, phi tần chăm chút sắc đẹp, ngồi trong đình viện trông ngóng thái giám xuất hiện. Mà thái giám ở đây phải là người của Kính sự phòng, gọi họ đến qua đêm với Hoàng đế.
Thế nhưng nào có phải ai cũng được may mắn này. Nhiều thê thiếp cũng phải đối mặt với việc cả đời có khi cũng không nhận được sử sủng ái của hoàng đế.
2. Ăn uống có định lượng
Khác với hình ảnh long lanh, được dùng đủ loại sơn hào hải vị, bánh ngọt ngon miệng... như trên phim, chế độ ăn uống của các phi tần thực chất được phân theo cấp bậc rõ ràng.
Trừ những vị ở bậc cao như hoàng hậu, quý phi,...những thê thiếp cấp dưới có thể không được ăn uống quá đầy đủ hay thịnh soạn như nhiều người nghĩ. Thông thường, họ sẽ chỉ được ăn những món ăn đơn giản với khẩu phần nhỏ và chỉ vào dịp lễ hội hoặc sự kiện đặc biệt mới được thưởng thức những món ăn đa dạng và ngon miệng hơn.
3. Không thể về thăm người thân
Vào thời nhà Thanh, triều đình cho rằng việc phi tần và gia tộc của họ thường xuyên gặp gỡ qua lại, đặc biệt là những phi tần đang mang long thai hoặc sinh được hoàng tử, công chúa, thì dễ xảy ra trường hợp âm mưu cấu kết tạo phản.
Thế là triều đình đã quy định: Phi tần không thể xuất cung thăm nhà, nhưng người thân (ưu tiên cha mẹ) có thể vào cung theo ý chỉ; vài tháng một lần, thậm chí một năm chỉ được một lần.
Trong "Hồng Lâu Mộng", việc nhân vật Nguyên phi thăm người thân thực ra chỉ là hư cấu. Ngay cả Từ Hi Thái hậu cũng không ngoại lệ. Khi mẹ của bà qua đời, Từ Hi vẫn không thể về nhà. Bởi lẽ phụ nữ đã vào cung cấm thì một đi không trở lại.
4. Luôn đối mặt với cô đơn
Trong hậu cung, ngoài những quy định chi tiết về quần áo và thức ăn, còn có những nội quy nghiêm ngặt về việc nghỉ ngơi hàng ngày của các phi tần, không được đi lại nói cười tùy tiện. Họ khó lòng mà thường xuyên ghé qua các cung trò chuyện với nhau, hoặc nghe hát để xua đi nỗi cô đơn.
Để giải tỏa sự nhàm chán đó, họ chỉ có thể đưa một số nữ nhân vào ở cùng để sống qua ngày.
Nói chung, dù là địa vị được nhiều người mơ nhưng cuộc sống của các phi tần trên phim và thực tế có một khoảng cách rất lớn. Do đó, không ít các quý phi, thê thiếp chẳng được ghi nhớ cũng mãi mãi chôn vùi thanh xuân của mình ở chốn hậu cung lạnh lẽo.
Thùy Dương (SHTT)