Vén màn bí ẩn lời nguyền đẫm máu của viên kim cương Ấn Độ được cho là gây ra nhiều cái chết bi thảm

09/04/2021 13:34:18

Câu chuyện về lời nguyền của viên kim cương Hope đầy rẫy những chi tiết rùng rợn, nhưng hoàn toàn không có bằng chứng. Nó được coi là điển hình cho những câu chuyện về những viên đá quý bị nguyền rủa.

Câu chuyện bắt đầu năm 1666, khi nhà buôn đá quý người Pháp Jean-Baptiste Tavernier bằng cách nào đó sở hữu viên kim cương xanh 115,16 carat, đặt tên là Tavernier Blue. Một số câu chuyện cho rằng ông lấy trộm kim cương từ mắt bức tượng thần trong một ngôi đền ở Ấn Độ, trong khi những phiên bản khác nói ông mua lại nó từ một thầy tu.

Những người sùng đạo trong ngôi đền tất nhiên không hài lòng với điều này. Để trả đũa, họ đưa ra lời nguyền lên bất cứ ai sở hữu viên kim cương, được cho là gây ra những sự kiện rùng rợn và bi thảm khiến ngay cả những nhà văn viết truyện kinh dị nổi tiếng nhất cũng phải thán phục.

Tavernier mô tả viên kim cương màu "violet" (hay màu xanh nước biển), chất lượng thượng hạng. Là một nhà buôn nổi tiếng thời bấy giờ, ông mang viên kim cương trở về Pháp sau sáu lần tới Ấn Độ. Một chuyên gia số tin rằng Tavernier mua viên ngọc ở mỏ đá quý Kollur thuộc quận Guntur, bang Andhra Pradhes (Ấn Độ) ngày nay, nhưng vẫn còn nhiều tranh cãi về điều này.

Kim cương Hope được trưng bày tại Viện Smithsonian

Tavernier viết về viên kim cương trong cuốn sách nổi tiếng "Sáu chuyến du hành của Jean-Baptiste Tavernier". Năm 1668 hoặc 1669, ông bán viên kim cương cho Vua Louis XIV của Pháp với giá 220.000 livre, dù giá trị ước tính của nó lúc đó cao gấp đôi.

Theo học giả Richard W. Wise, Tavernier bán viên kim cương với giá thấp như vậy là bởi ngoài số tiền trên, ông còn được ban đặc ân quý tộc mà giới thượng lưu thời đó thường phải mua với giá 400.000-500.000 livre.

Bên cạnh đó, việc mua bán với nhà vua Louis XIV mang lại tiếng tăm lớn giúp việc làm ăn của Tavernier thuận lợi hơn, đồng thời tình hình kinh tế ở châu Âu thời thế kỷ 17 cũng khiến ông không có nhiều lựa chọn khách hàng tiềm năng.

Một số tin đồn cho rằng Jean-Baptiste Tavernier chết vì bệnh tật sau khi trở về từ Ấn Độ, và thi thể của ông bị chó hoang hoặc sói cắn xé, dường như là sự khởi đầu của lời nguyền. Các ghi chép chính thức cho thấy ông qua đời năm 84 tuổi tại Moscow (Nga).

Câu chuyện về những cái chết liên quan tới viên kim cương nhanh chóng được xâu chuỗi với nhau. Louis XIV giao viên kim cương cho thợ kim hoàn nổi tiếng thời bấy giờ là Jean Pitau chế tác lại, trọng lượng chỉ còn 67,125 carat và được đặt tên mới là "Kim cương xanh Hoàng gia Pháp".

Louis XIV, hay còn được gọi là "Vua Mặt Trời", thường đeo viên kim cương bên cạnh những món đồ trang sức khác của ông. Trong những dịp đặc biệt, Nicholas Fouquet, một cận thần được nhà vua hết sức sủng ái, cũng được đeo viên kim cương. Tuy vậy không lâu sau đó, Louis XIV kết tội Fouquet tham nhũng, đày ông này vào nhà ngục Pignerol cho tới cuối đời. Số phận của Fouquet càng thúc đẩy câu chuyện về lời nguyền liên quan tới viêm kim cương xanh.

Hầu hết các con của vủa Louis XIV đều chết khi còn nhỏ hoặc chết trước khi ông băng hà vào năm 1715 vì chứng hoại tử. Tỷ lệ tử vong trẻ em ở châu Âu thời thế kỷ 17-18 khá cao, trong khi nhà vua về cuối đời sức khỏe cũng không được tốt, tuy vậy những lý giải đó không ngăn chặn được câu chuyện về lời nguyền.

Louis XV và sau đó là Louis XVI, hai hậu duệ của "Vua Mặt Trời" được thừa kế "Kim cương xanh Hoàng gia Pháp". Năm 1793, Vua Louis XVI và Hoàng hậu Marie Antoinette bị xử tử trong cuộc Cách mạng Pháp, trong khi viên kim cương xanh biến mất, được cho là bị lấy trộm. Có nhiều câu chuyện truyền miệng nói Hoàng hậu Marie Antoinette từng đeo viên kim cương, nhưng không có bằng chứng cụ thể, theo các nhà sử học.

Vua Louis XVI và Hoàng hậu Marie Antoinette

Khoảng 20 năm sau, viên kim cương xuất hiện trở lại ở London, chủ nhân là nhà buôn đá quý Daniel Eliason. Eliason không tiết lộ ông sở hữu viên kim cương như thế nào, nhưng truyền thông thời điểm đó tin rằng nó được cắt ra từ Kim cương xanh của Hoàng gia Pháp, lần này chỉ nặng 45 carat. Đây cũng là trọng lượng của viên kim cương hiện nay.

Eliason bán viên kim cương cho Vua George IV của Anh. Nhà vua coi viên kim cương là chiến lợi phẩm quý giá sau khi ông đánh bại Napoleon. Tuy vậy, lối sống xa hoa của George IV khiến Hoàng gia Anh suýt chút nữa phá sản. Sau khi ông qua đời năm 1830, người thực thi di chúc của ông, Công tước xứ Wellington Arthur Wellesley phải bán viên kim cương cho Henry Philip Hope để trả nợ cho Hoàng gia.

Hope thường chỉ gọi viên kim cương xanh là "Số 1", nhưng sau vài năm, truyền thông Anh thời bấy giờ gọi nó là Kim cương Hope. Gia tộc Hope thời điểm đó rất giàu có, họ từng giúp nước Mỹ mua vùng đất Louisiana, sở hữu nhiều đất đai, lâu đài, đá quý và các tác hẩm nghệ thuật đắt tiền. Tuy vậy chỉ trong vài thế hệ, tài sản khổng lồ này đã biến mất.

Năm 1887, Francis Hope, hậu duệ của Henry Philip Hope được thừa kế viên ngọc. Francis phá sản do đầu tư sai lầm, đam mê cá độ đua ngựa và vì người vợ Mỹ May Yohe. Không còn tài sản và ly dị vợ, ông đệ đơn ra tòa đề nghị được trao quyền bán viên kim cương Hope và được chấp thuận.

Henry Philip Hope

Nhà buôn đá quý người Mỹ Joseph Frankel mua lại viên kim cương với hy vọng sẽ sớm bán được nó để kiếm lời. Tuy vậy, suy thoái 1907 diễn ra, Frankel tuy vẫn là chủ viên kim cương nhưng bị phá sản.

Những câu chuyện đầu tiên về lời nguyền của viên kim cương Hope xuất hiện trên chuyên mục tài chính của tờ New York Times hồi năm 1908, với những bài báo cho rằng viên kim cương khiến Frankel phá sản.

Các tờ báo tại Washington và London thêm thắt nhiều chi tiết để câu chuyện trở nên huyền bí và rùng rợn, đồng thời sáng tạo thêm nhiều nhân vật tưởng tượng từng là chủ nhân của viên kim cương như nhà buôn đá quý Hà Lan Wilhelm Fals bị con trai là Hendrik giết để cướp viên ngọc, Hendrik sau đó cũng tự tử; Francois Beaulieu mua viên kim cương từ Hendrik và bán lại cho Eliason, nhưng sau đó chết đói; Hoàng tử Nga Ivan Kanitovsky tặng viên kim cương cho người tình Mỹ, nhưng sau đó cô bị bắn chết còn vị hoàng tử cũng bị sát hại; hay nhà sưu tầm đá quý Hy Lạp Simon Maoncharides cùng gia đình chết trong tai nạn xe hơi sau khi mua viên kim cương.

Những câu chuyện thêu dệt kể trên, cũng như các chi tiết từ tiểu thuyết ngắn The Moonstone (Đá Mặt trăng) của nhà văn Willie Colkins được chủ nhân tiếp theo của viên kim cương, Pierre Cartier, tận dụng để thu hút sự chú ý từ giới truyền thông và thổi phồng giá trị thực sự của nó.

Cartier tiếp cận vợ chồng siêu giàu Evalyn và Ned McLean vào năm 1910, sử dụng những câu chuyện cóp nhặt từ các tờ báo và từ tiểu thuyết Wilkie Collins để thuyết phục cặp đôi này mua lại viên kim cương.

Bị thu hút bởi những câu chuyện của Cartier, Evalyn McLean quyết định mua viên kim cương từ tay nhà buôn người Pháp. Gia tộc McLean nổi tiếng giàu có ở Mỹ, sở hữu nhiều nhà hàng, bất động sản và cả tờ báo danh tiếng Washington Post. Evalyn thường đeo viên kim cương tới dự các bữa tiệc xa hoa tại Washington D.C, cho tới năm 1919, khi con trai khi đó mới 10 tuổi của bà bị ôtô tông tử vong.

Giới truyền thông nhanh chóng cho rằng Kim cương Hope thực sự bị nguyền rủa, bất kỳ ai sở hữu nó không sớm thì muộn cũng táng gia bại sản, hay nặng hơn là chết bất đắc kỳ tử. Những câu chuyện này thu hút độc giả Mỹ vào thời điểm đó, vốn hiếu kỳ trước những lời nguyền tương tự liên quan tới thảm họa tàu Titanic hay xác ướp Ai Cập.

Evalyn McLean đeo viên kim cương Hope trên cổ

Những gì diễn ra sau đó càng thổi bùng lên niềm tin về lời nguyền. Ned McLean phát điên, gia tộc bị phá sản và để mất quyền sở hữu tờ Washington Post, dù Evalyn đã cố gắng dùng viên kim cương để gán nợ.

Khi con trai của phi công Charles Lindbergh bị bắt cóc trong một vụ án chấn động dư luận thời bấy giờ, bà thậm chí đã cầm cố viên kim cương lấy tiền giúp ông thuê thám tử điều tra và dàn xếp tiền chuộc. Tuy vậy, vụ án khép lại với kết cục bi thảm mà không cần tới số tiền của Evalyn, viên kim cương sau đó cũng được giao lại cho bà.

Trong những năm kế tiếp, Evalyn dùng viên kim cương gây quỹ từ thiện, cho các cô dâu mượn trong tiệc cưới, thậm chí cho chó cưng đeo. Năm 1946, con gái bà tự tử khi mới 25 tuổi. Bà qua đời sau đó một năm; gia đình McLean bán viên kim cương cho nhà sưu tầm Harry Winston.

Winston tổ chức triển lãm viên kim cương cùng những bảo vật, đá quý khác trong bộ sưu tầm của ông trên khắp thế giới trong 10 năm, sau đó quyết định tặng lại nó cho Viện Smithsonian để trưng bày. Tuy vậy, vẫn còn một người tự nhận là "nạn nhân của lời nguyền": James Todd, người vận chuyển viên kim cương tới Viện Smithsonian.

Sau khi bàn giao viên kim cương cho các quan chức của Viện Smithsonian, Todd gặp tai nạn chấn thương nặng ở chân, vợ ông qua đời, con chó của ông bị thắt cổ tới chết và nhà ông bị hỏa hoạn thiêu rụi, ông cho biết.

Các nhà khoa học tại Viện Smithsonian đã tiến hành nghiên cứu viên kim cương, kết luận nó được hình thành từ carbon kết tinh ở độ sâu khoảng 150km dưới lòng đất cách đây một tỷ năm. Sau khi di chuyển qua vết nứt núi lửa tại cao nguyên Deccan (Ấn Độ), viên kim cương trồi lên mặt đất rồi bị sông suối cuốn tới vùng đất phù sa, nơi nó được phát hiện vào giữa thế kỷ 17.

Trái với niềm tin vào lời nguyền rùng rợn của công chúng, Viện Smithsonian coi Kim cương Hope là biểu tượng của may mắn. Sau khi nhận viên kim cương từ Winston, viện tiếp tục được giới nhà giàu Mỹ tặng đá quý để trưng bày. Bộ sưu tập Đá quý Quốc gia của viện được đánh giá là nơi trưng bày đá quý cho công chúng lớn nhất thế giới hiện nay.

Thiệu Khang (Nguoiduatin.vn)