“Phán quyết đó không thể mang ra đàm phán”, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jnr nói nhân dịp kỷ niệm 4 năm ngày phán quyết được đưa ra bởi Tòa trọng tài thường trực quốc tế tại La Hay, Hà Lan. Ngoại trưởng Philippines nói rằng, phán quyết đó “đưa ra kết luận cuối cùng về các quyền lịch sử và quyền trên biển ở biển Đông” dựa trên Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. “Tòa trọng tài có thẩm quyền kết luận rằng yêu sách quyền lịch sử của Trung Quốc đối với các tài nguyên trên vùng biển này... không có cơ sở pháp lý”, ông Teodoro Locsin Jnr nói trong một thông cáo. Cho đến nay, đây là tuyên bố mạnh mẽ nhất mà Philippines từng đưa ra đối với phán quyết của Tòa trọng tài, AP đưa tin.
Trung Quốc không chịu tham gia vào quá trình tố tụng và không công nhận quyết định này. Cho đến nay, Trung Quốc vẫn phớt lờ phán quyết và tiếp tục những hành động hung hăng ở khu vực tranh chấp cũng như vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam,
Philippines và Malaysia.
Ông Locsin nói rằng, phán quyết của tòa xác định một số hành động diễn ra trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines là vi phạm quyền chủ quyền của nước này và trái pháp luật. Ông nêu ra những hành động của Trung Quốc đi ngược lại kết luận của tòa, như cải tạo quy mô lớn và xây dựng các đảo nhân tạo, gây tổn hại nghiêm trọng cho môi trường. “Tuân thủ thiện chí với phán quyết là điều phù hợp với những nghĩa vụ của Philippines và Trung Quốc theo luật quốc tế”, ông Locsin nói. “Chúng tôi kỷ niệm việc ban hành phán quyết như một cách đề cao pháp quyền, như một phương tiện để giải quyết tranh chấp một cách thân thiện... và đánh dấu rõ ràng ai mới là người sai khi khăng khăng những yêu sách đi ngược lại phán quyết”, ông nói.
Phủ nhận yêu sách của Trung Quốc về quyền lịch sử
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, GS Carlyle Thayer (ĐH New South Wales, Học viện Quốc phòng Úc) nhận định, tuyên bố của chủ tịch Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36 mới đây có một yếu tố rất mới. Đó là ASEAN công khai phủ nhận yêu sách của Trung Quốc về quyền lịch sử của nước này trên biển Đông. Tuyên bố chủ tịch thể hiện sự tái khẳng định mạnh mẽ về tầm quan trọng của luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS. Các tuyên bố của ASEAN trước đây có đề cập luật pháp quốc tế, UNCLOS, nhưng tuyên bố chủ tịch lần này nói rất rõ ràng rằng: UNCLOS 1982 là cơ sở, nền tảng để xác định quyền lợi biển, quyền chủ quyền, tài phán và lợi ích hợp pháp tại các vùng biển, cũng như định ra khuôn khổ pháp lý mà tất cả hoạt động trên biển, trên đại dương phải tiến hành trong khuôn khổ pháp lý đó.
Ngoài ra, tuyên bố chủ tịch năm nay cũng đề cập UNCLOS trong phần đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC): “Chúng tôi được khuyến khích bởi tiến bộ đàm phán thực chất về việc sớm hoàn tất COC hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982”. Tuyên bố chủ tịch năm ngoái viết: “Chúng tôi nhiệt liệt hoan nghênh tiến bộ đàm phán thực chất về việc sớm hoàn tất COC hiệu quả, thực chất với khung thời gian 2 bên cùng nhất trí”, GS Thayer cho biết.
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, phóng viên Philippines Jaime Laude cũng cho rằng, tuyên bố chủ tịch Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36 là rất mạnh mẽ và thống nhất về vấn đề biển Đông. Dù không đề cập cụ thể các hành động gây hấn của Trung Quốc gần đây trên biển Đông nhưng dùng cụm từ “các sự cố nghiêm trọng” là hợp lý, là đủ mạnh. Nghiêm trọng là vì tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam, tàu hải quân Trung Quốc chĩa radar khóa hỏa lực vào tàu tuần tra Philippines… Việc nhấn mạnh một cách chi tiết về UNCLOS và khuôn khổ pháp lý mà UNCLOS đặt ra chứng tỏ ASEAN đã đồng thuận cao về việc phản đối, phủ nhận yêu sách quyền lịch sử, yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý của Trung Quốc, ông Laude nhận định.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte bị các nhóm cánh tả và dân tộc chủ nghĩa chỉ trích vì gác lại phán quyết để theo đuổi các dự án hợp tác với Trung Quốc, trong khi chỉ trích những chính sách an ninh của Mỹ ở khu vực. Phán quyết công nhận quyền chủ quyền của Philippines đối với một vùng biển được gọi là vùng đặc quyền kinh tế, nơi những yêu sách của Trung Quốc khiến Philippines không thể thực hiện kế hoạch thăm dò, khai thác tài nguyên dầu khí dưới đáy biển.
Theo Bình Giang - Thái An (Tiền Phong)