Vào ngày 17/5 vừa qua, nhiều người dân ở tỉnh Thiểm Tây, phía tây bắc Trung Quốc đã vô cùng ngạc nhiên khi bắt gặp một cậu bé 8 tuổi cầm theo chiếc đàn guitar ngồi hát bên đường để xin tiền. Bên cạnh cậu bé là tấm bìa giấy có dòng chữ: "Cháu đã làm hỏng bức tường ở trường học và cần kiếm 300 nhân dân tệ (1 triệu đồng) để bồi thường."
"Con trai tôi vẽ bậy trên bức tường mà trường tiểu học vừa tu sửa. Sau khi bàn bạc với nhà trường, gia đình tôi quyết định sẽ bồi thường cho ban giám hiệu. Chúng tôi hi vọng, thông qua việc thằng bé đi biểu diễn ở đường phố, nó sẽ học được cách phải chịu trách nhiệm trước mỗi hành động của mình", anh Hoàng (Huang), cha của cậu bé chia sẻ với truyền thông địa phương.
Anh Hoàng cũng cho biết, con trai anh đã phải ngồi diễn một giờ trong ba ngày liên tục mới đủ tiền để trả cho nhà trường. Tuy nhiên, cách nuôi dạy này của gia đình anh Hoàng lại nhận về rất nhiều sự tán thưởng của cộng đồng mạng đại lục.
"Rất tán thành cách nuôi dạy con như thế của gia đình anh, phải cho bọn trẻ chịu trách nhiệm vì những hành động của mình", một cư dân mạng bình luận trên weibo.
"Biểu diễn trên đường phố không những có thể nâng cao sự tự tin cho đứa trẻ mà còn giúp thằng bé "lên trình" chơi guitar. Thật là một công đôi việc", người khác nói.
So với những cách nuôi dạy con một cách cứng nhắc và theo khuôn khổ truyền thống, thì phương pháp như gia đình anh Hoàng áp dụng thường gây được sự chú ý với người dân Trung Quốc.
Tháng 11 năm ngoái, một nữ tiến sĩ đã sử dụng ChatGPT để an ủi cậu con trai 5 tuổi của mình. Được biết trước đó, cậu bé với biệt danh Twelve trong lúc chơi ván trượt thì bị ngã nên bị nhiều người có mặt ở đó cười chê.
Dù được bố mẹ hết sức an ủi và động viên, nhưng Twelve vẫn luôn cảm thấy xấu hổ với khoảnh khắc đó của mình. Chính vì thế, mẹ cậu bé, đã sử dụng ChatGPT để đặt vấn đề xử lý trong hoàn cảnh con mình.
Bằng giọng nữ theo tiếng Quan Thoại, ChatGPT sau đó trả lời: "Trước hết, những người đó đã rất thiếu tế nhị. Tại sao họ lại có thể đối xử như vậy với một đứa trẻ? Thứ hai, thật tệ khi họ lại để một việc như vậy có thể xảy ra. Họ phải biết rằng hành động như thế là rất dễ gây tổn thương. Và cuối cùng, cười nhạo một đứa trẻ là thiếu sự đồng cảm với chúng".
Theo báo SCMP, cũng chính vì được chứng kiến những gì ChatGPT chia sẻ, Twelve đã dần cảm thấy tự tin trở lại. Và cách người mẹ, một tiến sĩ tốt nghiệp tại trường Đại học Bắc Kinh hành động, đã khiến cư dân mạng lúc đó cũng vô cùng thán phục.
Hay như tháng 8 năm ngoái, một cậu bé có biệt danh là Quách Quách (Guoguo), đến từ tỉnh Giang Tô, miền đông Trung Quốc đã bị mẹ đưa đến đồn cảnh sát để cảnh cáo vì có những hành vi hỗn hào.
Sau khi nghe các chú công an giải thích, Quách Quách đã hứa sẽ không bao giờ nói tục chửi bậy hay làm những việc sai trái nữa mà sẽ học cách tôn trọng người khác. Những gì mẹ Quách Quách đã làm sau đó đã nhận về lời tán dương không chỉ của các nhân viên cảnh sát hôm đó mà còn cả những lời bình luận khen ngợi từ cộng đồng mạng Trung Quốc.
QT (SHTT)