Hồi cuối tháng 8/2017, một thẩm phán của Ecuador đã tuyên án tù giam lên tới 4 năm và phạt 5.9 triệu USD đối với các ngư dân Trung Quốc bị cáo buộc đánh bắt cá trái phép ở quần đảo Galapagos Islands.
Các ngư dân này bị bắt trên con tàu Fu Yuan Yu Leng 999, mang cờ Trung Quốc, với hơn 300 tấn cá mập, tương đương khoảng 6.600 con, bao gồm cả cá mập đầu búa.
"Có tới hàng nghìn, nếu không muốn nói là hàng chục nghìn, con cá mập [trên tàu Trung Quốc]. Đây sẽ là lịch sử. Đây là vụ đánh bắt cá mập lớn nhất trong lịch sử quần đảo Galápagos, chắc chắn là thế," nhà nghiên cứu sinh thái biển Pelayo Salinas - người chứng kiến vụ bắt giữ tàu Fu Yuan Yu Leng 999 - nói.
Sự kiện Fu Yuan Yu Leng 999 là minh chứng mới nhất cho thấy vây cá mập vẫn là sản phẩm hết sức được ưa chuộng trong các thị trường của người Hoa, bao gồm tại Trung Quốc đại lục, Hồng Kông hay ở Mỹ, Canada...
Trung Quốc nỗ lực siết thị trường động vật hoang dã
Cho đến nay, một số biện pháp của chính phủ Trung Quốc nhằm ngăn chặn tiêu thụ động vật hoang dã đã được dư luận quốc tế ghi nhận là có ý nghĩa tích cực.
Vào tháng 1/2017, Air China trở thành hãng hàng không đầu tiên tại Trung Quốc đại lục thực thi lệnh cấm chuyên chở vây cá mập, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong thái độ của Bắc Kinh trong nỗ lực bảo tồn loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng này.
Báo Straits Times (Singapore) gọi đây là bước chuyển của Trung Quốc từ việc là nguồn gốc của vấn đề - trong vai trò thị trường tiêu thụ phi pháp các sản phẩm từ động vật hoang dã lớn nhất thế giới - sang vai trò giải pháp then chốt.
Trước đó vào tháng 7/2016, khi hãng vận tải khổng lồ của Trung Quốc Cosco cam kết ngưng vận chuyển vây cá mập, công ty này được ca ngợi là đã giáng đòn mạnh vào lĩnh vực thương mại bảo thủ gây nguy hại cho nhiều loài sinh vật.
Cosco là đơn vị vận tải lớn thứ 4 toàn cầu, chiếm 7.7% thị phần, và chính sách của họ đồng nghĩa với 68% doanh nghiệp vận tải cam kết ngưng chuyên chở vây cá mập.
Hàng triệu con cá mập bị sát hại mỗi năm - theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP). Vây cá được cắt ra và chuyển về Hồng Kông, phơi khô và chế biến, rồi tiếp tục đưa về Đại lục hoặc tiêu thụ ngay trong các nhà hàng của đặc khu hành chính.
Vì sao cá mập bị giết hại ngày càng nhiều?
Cuộc chiến nhằm chấm dứt tiêu thụ vây cá mập đã bùng nổ trong thập kỷ qua, song song với sự bùng nổ trong kinh tế và đời sống, khiến nhu cầu tiêu thụ mặt hàng xa xỉ này của giới nhà giàu Trung Quốc tăng đột biến.
Số lượng cá mập đã sụt giảm nghiêm trọng kể từ khi nền kinh tế Trung Quốc tăng tốc. Số liệu của Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WFF) cho thấy chỉ có 15 loài cá mập cùng các loài liên quan bị đe dọa vào năm 1996, nhưng đã tăng lên gấp 12 lần tính đến năm 2006.
Vào năm 2013, tờ Guardian (Anh) đăng bài "Sở thích ăn súp vi cá mập của người Hoa đang phá hủy bờ biển Mozambique". Theo đó, thay vì được bảo tồn để phục vụ khách du lịch lặn ngắm biển, bộ phận không nhỏ ngư dân tại đây cố gắng bán vây cá cho người Trung Quốc.
Ngư dân Fernando Nhamussua cho biết anh có thể bán vây cá mập với giá khoảng 145 USD/kg, và đây là khoản thu nhập lớn, mang lại hy vọng cho gia đình anh về một cuộc sống cơ bản.
Theo Guardian, một "bí mật mà ai cũng biết" tại đây là người Trung Quốc cung cấp các loại lưới đánh bắt cá cải tiến với hiệu quả cao, sau đó mua lại vây cá và chuyển về châu Á - nơi có thị trường khổng lồ "há miệng". Nhamussua và cháu mình, Gilamba, cho hay họ phải làm công việc trên bởi không thể tìm được việc làm tốt.
Andy Cornish, giám đốc Chương trình cá mập toàn cầu của WFF, nói với CNBC vào năm 2016 rằng tư duy ngắn hạn đang là "con dao" giết chết cá mập.
"Các nhà buôn vây cá mập ở Hồng Kông không hào hứng với phát triển thương mại ổn định," Cornish cho hay. "Về cơ bản họ sẽ nói là, 'tôi sẽ kiếm nhiều tiền nhất có thể trong hôm nay, và đến khi nào không làm được nữa hoặc không còn cá mập để bán thì tôi sẽ chuyển sang thứ khác'."
"Bạn sẽ thấy rằng với các thương buôn hay công ty cá, ngay cả các cá thể ra biển đánh bắt, họ chỉ làm ngày nào biết ngày đó. Tư duy ngắn hạn này thực sự là một vấn đề".
"Vấn đề hàng đầu là quản lý đánh bắt chưa phải ưu tiên lớn nhất của hầu hết các chính phủ. Không chỉ cá mập bị quản lý yếu kém, cả cá ngừ cũng được xem là 'máy in tiền' từ biển," ông Cornish nói.
ABC News đưa tin, hồi tháng 6/2017, hàng loạt người biểu tình đã mặc trang phục cá mập bị cắt vây và tụ tập trước một nhà hàng nổi tiếng tại cảng Hồng Kông để phản đối nhà hàng này bán súp vi cá. Những người biểu tình yêu cầu cửa hàng bỏ tất cả món ăn có liên quan đến động vật quý hiếm - như cá mập voi - khỏi thực đơn.
Peter How, chủ tịch Hiệp hội nhà hàng châu Á tại Mỹ, chủ nhà hàng Jade Asian ở khu Queens, New York, có bán súp vi cá mập nói: "Mọi người đều biết vây cá mập không có vị gì, do đó chúng tôi phải thêm vào nhiều thứ khi nấu".
Mặc dù các nhà lập pháp ở New York đã thông qua lệnh cấm tàng trữ, buôn bán và trao đổi vây cá mập từ năm 2012, ông How không tin lệnh cấm sẽ tác động đến việc làm ăn, bởi theo ông này món súp vi cá không chỉ là một biểu tượng mà còn là "đại diện cho sự tôn trọng, danh dự, và lòng cảm kích đối với các vị khách tham dự lễ cưới, dạ tiệc, hay trong các thương vụ làm ăn quan trọng".
Vây cá mập là "hàng hiệu" đẳng cấp
Đối với nhiều người Hoa, súp vi cá mập được coi là một món ăn bổ dưỡng, biểu tượng cho sự thịnh vượng và xa xỉ. Nhiều nhà hàng trên khắp Trung Quốc vẫn phục vụ món ăn này trong các bữa tiệc truyền thống, bấp chấp chiến dịch vào năm 2014 do chủ tịch Tập Cận Bình ban hành, nhằm chống lãng phí và cấm đưa vây cá mập vào thực đơn trong các buổi tiệc chính thức.
Tại Trung Quốc, súp vi cá có thể được bán với giá 100 USD mỗi bát. Thậm chí, vây cá mập đầu búa còn có giá 500 USD cho gần nửa kg.
Trong cuộc khảo sát năm 2015 của Hiệp hội Bloom, 90% người tham gia nhận định việc phục vụ súp vi cá mập trong các bữa tiệc là không thể chấp nhận, và 94% cho biết không muốn tiêu thụ các loài động vật bị đe dọa.
"Rất nhiều người không muốn thừa nhận là có ăn vây cá mập," Alex Hofford - thuộc tổ chức WildAid - nói. "Nếu hỏi họ rằng họ có ăn súp vi cá hay không thì họ sẽ phủ nhận. Nhưng khi ngồi cùng gia đình hay ông chủ thì họ sẽ không từ chối".
Theo Hofford, tâm lý e ngại đi ngược truyền thống, hoặc thiếu tôn trọng người khác, là lý do cơ bản khiến vây cá mập vẫn được tiêu thụ ồ ạt.
"Thay đổi thói quen văn hóa là một thử thách lớn," Andrea Richey - thuộc Quỹ Cá mập (Shark Foudation - cho biết. "Món ăn này có từ triều Minh, và là dấu hiệu truyền thống cho sự thịnh vượng cùng xa xỉ, giống như túi Gucci vậy".
"Đã đến lúc các nhà hàng phải nghiêm túc kiểm soát [việc tiêu thụ vây cá]," ông Hofford kêu gọi trong lá thư gửi các quản lý nhà hàng tại Hồng Kông.
Theo Hải Võ (Soha/Thời Đại)