Nước Nga hiện đã chính thức là quốc gia đầu tiên trên thế giới công bố vaccine phòng COVID-19. Bất chấp những nghi ngờ về tính an toàn và hiệu quả của loại vaccine này khi nó chưa trải qua hết giai đoạn thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn.
Theo Giám đốc Trung tâm Gamaleya, nơi đã và đang điều chế vaccine Sputnik 5, Nga không phải bắt đầu từ con số 0. Trên thực tế, các nhà khoa học Nga đã nghiên cứu công nghệ này từ 25 năm trước, họ đã tạo ra 3 đến 4 loại vaccine trên cơ sở này. Điều này cho phép các nhà khoa học Nga lặp lại những gì đã được thực hiện trong thời gian ngắn nhất có thể, để tạo ra vaccine phòng COVID-19.
Thông thường, các vaccine chỉ được phê duyệt là an toàn và hiệu quả sau khi đã trải qua Giai đoạn 3 - giai đoạn thử nghiệm lâm sàng trên hàng chục nghìn người, để khẳng định không có những phản ứng phụ ít thấy. Trong khi đó, vaccine Sputnik 5 của Nga mới được đăng ký sau chưa đầy 2 tháng thử nghiệm trên người ở quy mô vừa và nhỏ. Giai đoạn 3 chưa được tiến hành. thế nhưng sau khi bác bỏ tất cả những chỉ trích về sự mạo hiểm của hành trình "thần tốc" cho ra đời loại vaccine này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nga Murashko đã cho hay: những lô vaccine đầu tiên mang nhãn hiệu Gam-COVID-Vac (hay Sputnik 5), dự kiến sẽ được ra mắt trong vòng 2 tuần tới.
Nhà máy dược phẩm Binnopharm ở ngoại ô Moscow, một trong hai cơ sở sản xuất các chế phẩm vaccine chống COVID-19 đầu tiên của Nga đã bắt đầu với quy trình sản xuất ngay sau khi được cấp phép. Năng lực dự kiến của nhà máy hiện vào khoảng 1,5 triệu liều vaccine mỗi năm, và sẽ tăng lên để đảm bảo khối lượng yêu cầu.
Nga sẽ sử dụng và phân phối vaccine Sputnik 5 như thế nào?
Theo ông Kirill Dmitriev, Giám đốc Quỹ đầu tư trực tiếp Nga, đến thời điểm này Nga đã nhận được các đơn đặt hàng đến từ hơn 20 quốc gia với nhu cầu lên đến 1 tỷ liều, phần lớn là từ các nước Mỹ Latin, Trung Đông và châu Á. Nga cũng đã đàm phán về việc sản xuất vaccine tại 5 nước với khả năng sản xuất 500 triệu liều mỗi năm, trong đó có Philippines, Brazil và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất. Giá xuất khẩu của vaccine chống COVID-19 của Nga ước tính ít nhất sẽ vào khoảng 10 USD cho 2 liều.
Quỹ đầu tư trực tiếp Nga hiện đang có kế hoạch thực hiện một chương trình viện trợ nhân đạo cho các nước đang phát triển, với mục đích cung cấp vaccine COVID-19 cho những nước không có khả năng tự sản xuất hoặc mua.
Mặc dù đã được đăng ký, vaccine Sputnik V vẫn sẽ trải qua các thử nghiệm lâm sàng nhiều hơn ở Nga và nước ngoài. Trước mắt, việc tiêm phòng vaccine COVID-19 tại Nga sẽ được ưu tiên cho các chuyên gia y tế và giáo viên trên cơ sở hoàn toàn tự nguyện. Sẽ có ứng dụng để tiếp tục theo dõi tình trạng sức khỏe của họ sau khi tiêm.
Như vậy là Nga sẽ vừa đưa vào sử dụng vừa tiếp tục hoàn thành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối cho vaccine Sputnik 5. Đợt tiêm chủng đầu tiên sẽ chỉ dành cho những đối tượng cần thiết nhất, sau đó mới mở rộng và xuất khẩu, đặc biệt nhắm đến các nước đang phát triển với giá thấp hơn hẳn so với giá dự kiến của Mỹ, chỉ 10 USD cho 2 liều. Quyết tâm "thần tốc" cho ra đời vaccine phòng COVID-19 và đặc biệt là cái tên mà Nga đặt cho loại vaccine này: Sputnik 5, tất cả đang đang gợi nhớ đến thời kỳ Liên Xô đánh bại Mỹ khi đưa được vệ tinh Sputnik, vệ tinh đầu tiên trên thế giới vào quỹ đạo.
Cuộc chạy đua gợi nhớ Chiến tranh lạnh
Đó là ngày 4/10/1957, Chiến tranh lạnh giữa khối các nước xã hội chủ nghĩa và khối các nước tư bản phương Tây đã diễn ra được khoảng 10 năm. Liên Xô bất ngờ thành công với việc đưa vào quỹ đạo Trái Đất vệ tinh đầu tiên trên thế giới, mang tên Sputnik, đẩy Mỹ phải nhập cuộc chạy đua vào vũ trụ.
Và nay Sputnik lại được nước Nga đưa trở lại với thế giới, gắn với vaccine phòng COVID-19 đầu tiên được công bố, mang theo ý chí quay lại vị trí cường quốc hàng đầu thế giới.
Vậy có ai sẵn sàng xắn tay áo lên nhận mũi tiêm vaccine Sputnik 5? Theo quỹ nhà nước đầu tư cho Sputnik 5 thì đã có hơn 20 nước đặt mua tổng cộng 1 tỷ liều. Chứng tỏ tốc độ hoàn thành của Nga chẳng làm nhiều nước chóng mặt như một số ý kiến. Chính Tổng thống Nga Putin là người đứng ra công bố thành tựu và mang cô con gái như là một chứng nhân trực tiếp cho sự an toàn và hiệu quả đáng tin của thành tựu này.
Nhưng đây là cuộc chiến với một đại dịch toàn cầu đã cướp đi sinh mạng của hơn 700 nghìn người trong số hơn 20 triệu người đã mắc bệnh. Nếu nước Nga thành công lần này thì Tổng thống Nga Putin hoàn toàn có thể tuyên bố thắng Mỹ lần nữa, bởi giới y học Mỹ đã khẳng định không có chuyện nước Mỹ có vaccine trước ngày bầu cử tổng thống 3/11, như ông Donald Trump mong muốn.
Và dù Mỹ có quay sang buộc tội các hacker Nga lấy cắp nghiên cứu vaccine của các nước phương Tây, kết quả vẫn là Nga đã trình làng được vaccine trước hết tất cả các nước.
Theo Nhật Linh - Khắc Long (VTV)