Vaccine mRNA của Trung Quốc bị nghi không hiệu quả bằng Pfizer, Moderna

27/01/2022 11:19:10

Vaccine mRNA được phát triển ở Trung Quốc có thể không hiệu quả bằng sản phẩm của Pfizer/BioNTech hay Moderna, theo Bloomberg.

Vaccine mRNA của Trung Quốc bị nghi không hiệu quả bằng Pfizer, Moderna
Ảnh minh họa

Sản phẩm vaccine mRNA kể trên, có tên là ARCoV, được công ty Walvax Biotechnology, Suzhou Abogen Biosciences và quân đội Trung Quốc hợp tác phát triển.

Nghiên cứu đầu tiên được công bố về loại vaccine này cho thấy vaccine tạo ra lượng kháng thể trung hòa cao gấp đối kháng thể từ người đã khỏi Covid-19, Bloomberg đưa tin.

Những người được tiêm liều nhiều hơn hoặc ít hơn tạo ra lượng kháng thể bảo vệ thấp hơn so với người đã khỏi bệnh, theo kết quả nghiên cứu.

Thử nghiệm vaccine ARCoV co sự tham gia của 120 tình nguyện viên và được đăng tải trên tuần san Lancet Microbe. 6 trong tổng số 20 người tiêm liều 85% bị sốt. Không có ai bị biến chứng nghiêm trọng trong thử nghiệm này, tuy vậy đây cũng mới chỉ là bước đầu tiên trong ba thử nghiệm để xin cấp phép.

Do vaccine dường như chỉ tạo ra lượng kháng thể vượt trội so với kháng thể của người đã mắc bệnh ở một liều nhất định, việc triển khai tiêm chủng trên thực tế có thể sẽ gặp nhiều khó khăn, theo chuyên gia Mia He của Bloomberg. Bên cạnh đó, tác dụng phụ cũng sẽ là một vấn đề đáng lưu ý, bởi vaccine được cho là khiến nhiều người bị sốt hơn so với các sản phẩm khác trên thị trường.

Nhìn chung, vaccine cho thấy nhiều hứa hẹn, nhưng cần được thử nghiệm thêm, chuyên gia Mia He cho biết.

Dữ liệu ban đầu được đánh giá là không mấy khả quan cho tham vọng tự sản xuất vaccine mRNA ngừa Covid-19 của Trung Quốc, sau khi các loại vaccine thế hệ đầu của nước này được coi là không hiệu quả bằng một số sản phẩm của các nước phương Tây.

Giới chức Trung Quốc có vẻ như chưa vội phê duyệt các loại vaccine mRNA của phương Tây để sử dụng trong nước. Đơn xin cấp phép phân phối vaccine Pfizer/BioNTech của Tập đoàn Dược Shanghai Fosun được cho là đã bị trì hoãn trong nhiều tháng.

Quá trình tiêm chủng dường như đã diễn ra an toàn, trong khi kết quả thử nghiệm ban đầu cũng đủ khả quan để tiếp tục các giai đoạn tiếp theo, theo các nhà nghiên cứu.

Sau khi tiêm mũi thứ nhất, chỉ một vài người có kháng thể trung hòa chống lại virus. Tuy vậy sau khi tiêm mũi thứ hai sau đó 28 ngày, tất cả các tình nguyện viên đều có phản ứng miễn dịch khá mạnh. Vaccine cũng khá ổn định, có thể vận chuyển và lưu trữ trong điều kiện đông lạnh, theo các nhà nghiên cứu.

Kết quả thử nghiệm vào năm 2020 của Pfizer cho thấy vaccine của hãng tạo lượng kháng thể trung hòa cao gấp 3,8 lần so với người từng nhiễm Covid-19.

Hà An (Nguoiduatin.vn)