Ông Ali Ali Ehsanpour, đại diện Đại học Y Jundishapur ở tỉnh Ahvaz, cho biết 218 người nhập viện sau khi uống rượu lậu. "Họ tin rằng uống rượu giúp tiêu diệt nCoV trong cơ thể", ông Ali Ehsanpour nói.
Theo ông Ali, ý tưởng cho rằng rượu có thể diệt nCoV hoàn toàn không có cơ sở khoa học.
Ngộ độc rượu methanol hay rượu gỗ là tình trạng cơ thể hấp thụ lượng lớn methanol dẫn đến suy giảm ý thức, phối hợp kém, nôn mửa, đau bụng và hơi thở có mùi đặc biệt. Khoảng 12 giờ sau khi uống rượu, nhiều người bị suy giảm thị lực. Hậu quả lâu dài có thể mù và suy thận, thậm chí tử vong.
Tính đến 7h30 sáng nay (10/3), thế giới có 114.299 người mắc, 4.025 người tử vong, dịch COVID-19 ghi nhận tại 111 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tổ chức Y tế thế giới đã tuyên bố nguy cơ trở thành đại dịch đang ngày càng hiện hữu.
Tính đến tối 9/3, Iran ghi nhận 7.161 ca nhiễm COVID-19 với 237 trường hợp tử vong. Dịch hiện đã lan ra toàn bộ 31 tỉnh, thành nước này, biến Iran thành điểm nóng bùng phát dịch nghiêm trọng chỉ sau Trung Quốc đại lục.
Tại Trung Quốc đại lục, nơi dịch bệnh khởi phát, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) thông báo nước này ghi nhận 80.753 ca nhiễm bệnh, 3.136 trường hợp tử vong và 58.898 ca đã hồi phục và xuất viện.
Tại Hàn Quốc, tính trong cả ngày 9/3, nước này ghi nhận thêm 165 ca nhiễm mới - mức tăng thấp nhất kể từ ngày 26/2, nâng tổng số ca nhiễm COVID-19 lên 7.478 trường hợp. Số ca tử vong tại Hàn Quốc hiện là 53 người.
Tại Italy, hiện có 9.172 người nhiễm bệnh và 463 ca tử vong. Thủ tướng Italy Giuseppe Conte đã ký sắc lệnh hạn chế ra vào khu vực tâm dịch, gồm toàn bộ vùng Lombardia và 14 tỉnh thuộc Veneto, Emilia Romagna, Piemonte và Marche.
HP (Nguoiduatin.vn)