Súng phóng lựu chống tăng RPG-7 mặc dù có tuổi đời trên 50 năm nhưng vẫn phát huy tác dụng rất tốt trong chiến tranh hiện đại. Nhiều biến thể RPG-7 đã được các quốc gia đồng minh của Liên Xô chế tạo nhằm trang bị cho quân đội của mình.
Thậm chí đến thời điểm hiện tại, khẩu súng chống tăng không giật này vẫn tiếp tục được hiện đại hóa để đủ sức phục vụ thêm nhiều thập kỷ nữa, biển thể mới nhất của nó chính là RPGM do Ukraine thực hiện.
Trong cuộc triển lãm sản phẩm, Công ty xuất nhập khẩu vũ khí nhà nước UkrOboronProm của Ukraine đã để hai khẩu RPG-7 truyền thống và RPGM cạnh nhau để khách tham quan có thể tiện đánh giá.
So sánh với RPG-7, thay đổi đáng kể nhất trên khẩu RPGM đó là súng được bổ sung báng dạng khung xương thường thấy trên khẩu AK-74, thêm các đường ray picatinny ở mặt trên và dưới nhằm thuận tiện cho việc gắn phụ kiện, bên cạnh đó đầu ngắm là loại được dùng cho dòng tiểu liên AK.
Thay đổi trên, theo đánh giá, có thể giúp cho RPGM tương thích nhiều loại phụ kiện, từ đó nâng cao rõ rệt hiệu quả tác chiến, tầm bắn tối đa sẽ nâng lên tới 1.000 m nếu lắp kính ngắm quang điện tử EOTech Holographic.
Nhưng đi kèm theo đó thì việc bổ sung các chi tiết cấy ghép chắc chắn sẽ làm cho súng nặng hơn. Thậm chí có ý kiến còn cho rằng thiết kế của Ukraine theo kiểu "vẽ rắn thêm chân" khi RPG-7 là khẩu súng không giật, vì vậy chiếc báng kia tỏ ra thừa thãi, lại còn đẩy 2 tay cầm vào quá sát nhau.
Tuy nhiên, cải tiến trên của Ukraine không phải bây giờ mới được tiến hành mà Công ty Airtronic USA Inc của Mỹ đã thực hiện từ lâu trên khẩu RPG-7 USA của họ.
Khẩu súng này lắp báng rút của carbine M4 kết hợp với hệ thống ray picatinny bố trí xung quanh, theo nhận xét thì chiếc báng trên không hề gây cản trở hay vướng, mà ngược lại còn giúp cho xạ thủ giữ súng chắc hơn, điều này đã được một số quân nhân kết luận sau khi bắn thử.
Chi tiết đáng nói nhất đó là súng RPG-7 USA có nòng làm bằng thép 4140/4150 chất lượng cao nên giảm được khối lượng xuống còn 6,35 kg (so với 7 kg nguyên bản), nâng cao độ chính xác và tăng tuổi thọ ống phóng lên đến 1.000 phát bắn.
Hiện chưa rõ súng RPGM của Ukraine có chút cải tiến nào về vật liệu hay không nhưng kể cả khi khối lượng bị tăng thêm đôi chút thì các bộ phận mới cũng không gây ảnh hưởng là bao trong khi lợi ích mang lại đã thấy rõ. Vì vậy, ý kiến cho rằng Ukraine "vẽ rắn thêm chân" khi tạo ra khẩu RPGM có phần không xác đáng.
Theo Nam Đồng (Soha/Thời Đại)