“Chừng nào chúng tôi chưa nhận được đủ vũ khí, củng cố được vị thế của mình và đẩy lùi quân Nga càng xa càng tốt về phía biên giới của Ukraine, thì việc tổ chức các cuộc đàm phán (với Nga) là không có ý nghĩa”, hãng tin Reuters dẫn nhận định cố vấn của Tổng thống Ukraine cho hay.
Trước đó, Tổng thống Emmanuel Macron đề xuất rằng Pháp sẽ làm trung gian hòa giải giữa Nga và Ukraine và kêu gọi phương Tây giữ cánh cửa giải quyết chiến sự bằng biện pháp ngoại giao. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Ukraine hôm 4/6 đã bác bỏ tuyên bố này của ông Macron.
Hôm 6/5, hãng thông tấn Ukrinform của Ukraine dẫn phát biểu của Tổng thống Ukraine khẳng định Kiev sẵn sàng nối lại đàm phán với Nga sau khi các lực lượng của Moscow quay trở lại vị trí như trước ngày 24/2, thời điểm Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Trong tuyên bố, Tổng thống Zelensky cho rằng các lực lượng của Nga cần rút về các đường ranh giới hoặc giới tuyến tạm thời. Có như vậy, hai bên mới "có thể bắt đầu những cuộc đàm phán đầy đủ”.
Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo Ukraine cũng nhấn mạnh "không phải tất cả những cây cầu" dành cho đàm phán hòa bình với Nga đã bị hủy hoại.
Ukraine giành lại một phần Severodonetsk
Giới chức Ukraine hôm 4/6 cho biết rằng các lực lượng của nước này đã giành lại một phần của thành phố công nghiệp Severodonetsk, nơi các cuộc giao tranh căng thẳng đang tiếp tục điễn ra. Theo hãng tin Reuters, tuyên bố của Ukraine hiện chưa thể xác nhận một cách độc lập.
Đây là lần đầu tiên Kiev tuyên bố đã phát động một cuộc phản công lớn ở Severodonetsk sau nhiều ngày giao tranh. Phát biểu tối 4/6, Tổng thống Ukraine nói: “Tình hình ở Severodonetsk vẫn còn rất khó khăn, giao tranh vẫn đang diễn ra trên đường phố”.
Trong khi đó, cùng ngày, quân đội Nga nói rằng một số đơn vị của Ukraine kháng cự ở Severodonetsk đã bắt đầu rút lui sau khi gánh chịu “tổn thất nghiêm trọng". Tuy nhiên, một số đơn vị khác của Ukraine vẫn tiếp tục bám trụ ở thành phố thuộc khu vực Luhansk này.
Binh sĩ nước ngoài thiệt mạng ở Ukraine
Ukraine hôm 4/6 thông báo 4 binh sĩ tình nguyện nước ngoài đã thiệt mạng trong các cuộc giao tranh với Nga. Những binh sĩ này đến từ Đức, Hà Lan, Australia và Pháp. Tuy nhiên, Ukraine không cho biết những người này thiệt mạng khi nào và trong hoàn cảnh ra sao.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã tuyên bố thành lập lực lượng binh sĩ tình nguyện nước ngoài khi cuộc xung đột bắt đầu nổ ra.
Phương Tây hết chiêu mới kìm hãm Nga
Chủ tịch Duma Quốc gia Nga Vyacheslav Volodin hôm 4/6 tuyên bố, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã không còn biện pháp nào mới để có thể kìm hãm được sự phát triển của nước Nga.
"Dựa vào việc phân tích biện pháp trừng phạt mới, cũng như các quyết định trước đây của châu Âu và Washington, chúng ta có thể kết luận là họ không còn công cụ nào để có thể kìm hãm sự phát triển của Nga", ông Vyacheslav Volodin nói.
Theo Mai Khanh (VietNamNet)