Quốc hội Ukraine ngày 03/03 đã ra lời kêu gọi tới Liên Hợp Quốc, Hội Chữ Thập Đỏ Quốc tế, Nghị viện Châu Âu cùng quốc hội và nội các của tất cả các quốc gia, sớm đưa lực lượng gìn giữ hòa bình tới lãnh thổ để "bảo vệ dân thường" trước những cuộc tấn công ngày càng ác liệt từ phía Nga.
Ngoài việc yêu cầu sự trợ giúp từ lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, các nhà lập pháp Ukraine cũng yêu cầu thiết lập cùng cấm bay trên toàn lãnh thổ Ukraine và mở "hành lang xanh" cho hoạt động cứu trợ nhân đạo và người tị nạn.
Bất kỳ sứ mệnh gìn giữ hòa bình nào của Liên hợp quốc sẽ phải được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (UNSC) ủy quyền, nơi Nga nắm quyền phủ quyết. Tuy nhiên, nếu UNSC không thể cấp phép, theo nghị quyết 377 (V) của Đại hội đồng LHQ (UNGA), được thông qua vào năm 1950, UNGA có thể tự giải quyết những vấn đề đó. Tuy nhiên, cơ quan tối cao của LHQ phải khuyến nghị đại hội về hoạt động này và ít nhất phải được bảy thành viên UNSC ủng hộ.
Trước đó, Kiev đã nhiều lần đưa ra ý tưởng triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tới miền đông của đất nước, nơi lực lượng Ukraine đối đầu với phiến quân ở các nước cộng hòa ly khai Donetsk và Lugansk kể từ năm 2014. Tuy nhiên, một sứ mệnh tới khu vực này chưa bao giờ thành hiện thực.
Nga đã phát động một cuộc tấn công quân sự quy mô lớn ở Ukraine vào tuần trước, tuyên bố rằng đây là lựa chọn duy nhất để bảo vệ hai nước cộng hòa khỏi những gì họ cáo buộc là Kiev có kế hoạch chiếm lại bằng vũ lực.
Moscow cũng tuyên bố rằng mục tiêu của họ là "phi quân sự hóa" và "xóa bỏ chủ nghĩa quốc xã" ở nước láng giềng. Tuy nhiên Ukraine đã bác bỏ mọi tuyên bố về kế hoạch tấn công các nước cộng hòa và khẳng định cuộc tấn công của Nga là vô căn cứ.
Donetsk và Lugansk tách khỏi Ukraine vào năm 2014, sau các sự kiện Maidan ở Kiev dẫn đến sự sụp đổ của chính phủ sau cuộc bầu cử dân chủ của đất nước.
Bình Minh (Nguoiduatin.vn)