Ukraine dọa kiện tổng thống Nga: Kiếm thêm điểm trên bàn đàm phán

22/03/2015 09:19:10

Việc Ukraine đe dọa kiện tổng thống Nga Putin ra Tòa án quốc tế La Haye được Bộ Ngoại giao Nga cho rằng chỉ là một thủ đoạn tuyên truyền vì chẳng có Tòa án quốc tế nào có thể “thụ lý hồ sơ” của Ukraine.

Việc Ukraine đe dọa kiện tổng thống Nga Putin ra Tòa án quốc tế La Haye được Bộ Ngoại giao Nga cho rằng chỉ là một thủ đoạn tuyên truyền vì chẳng có Tòa án quốc tế nào có thể “thụ lý hồ sơ” của Ukraine.
Tổng thống Putin hát quốc ca Nga trong lễ kỷ niệm một năm ngày Crimea trở về với Nga.
 
Mới đây, trong một cuộc họp báo tại thủ đô Kiev, Bộ trưởng Tư pháp Ukraine Pavel Petrenko cho biết, Ukraine đã thu thập được đủ bằng chứng cần thiết để gửi đơn khiếu nại đến Tòa án quốc tế La Haye dựa trên những phát biểu của Tổng thống Nga Putin và Bộ trưởng Quốc phòng Nga Shoigu xung quanh vấn đề Crimea.
 
Hiển nhiên phía Ukraine muốn nói đến những sự việc được đề cập trong bộ phim “Crimea -Đường về Tổ quốc” do các nhà làm phim Nga thực hiện và mới được công chiếu hôm 15/3 nhân dịp kỷ niệm một năm ngày Crimea trở về nước Nga . Trong phim, Tổng thống Putin tuyên bố đã đích thân chỉ đạo những biến cố diễn ra ở Crimea sau cuộc đảo chính tại Kiev nhằm lật đổ Tổng thống hợp pháp của Ukraine lúc đó là ông Yanukovivh. Theo lời kể của Tổng thống Putin, để giải giáp vũ khí đội quân 20 nghìn binh sĩ Ukraine đóng tại bán đảo Crimea, phía Nga đã huy động một số đơn vị đặc nhiệm thuộc Ủy ban Tình báo đối ngoại và lính thủy đánh bộ.
 
Đáp lại động thái của phía Ukraine, Bộ Ngoại giao Nga cho rằng việc phía Ukraine đe dọa đưa vấn đề ra Tòa án quốc tế La Haye chỉ là một thủ đoạn tuyên truyền. Ít nhất cũng bởi vì chẳng có Tòa án quốc tế nào có thể “thụ lý hồ sơ” của Ukraine.
 

Người dân ra đường ăn mừng sự kiện Crimea sáp nhập về Nga.

 
Tại La Haye quả thật có Tòa án quốc tế, thậm chí có tới 2 Tòa án quốc tế. Nhưng Tòa án thứ nhất, thường được gọi là Tòa án quốc tế về Nam Tư cũ, đã ngừng hoạt động từ lâu sau khi xét xử một số nhân vật bị quy là “tội phạm” của Nam Tư cũ. Còn Tòa án thứ hai quả thật có tên gọi là Tòa án hình sự quốc tế, thì lại không có thẩm quyền pháp lý đối với Liên bang Nga.
 
Tuy nhiên, đa số các nhà phân tích cho rằng, vấn đề không đơn giản như vậy. Theo họ, với động thái nói trên, phía Ukraine muốn chứng tỏ cho thế giới thấy thái độ không khoan nhượng của họ. Bởi lẽ ngay trước đó một hôm, Nghị viện Ukraine đã thông qua một gói đạo luật cứng rắn về Donbass, khu vực nằm dưới quyền kiểm soát của 2 nước Cộng hòa ly khai tự xưng - Cộng hòa Nhân dân Donetsk DNR và Cộng hòa Nhân dân Lugansk LNR. Theo gói đạo luật đó, khu vực Donbass chỉ được hưởng quy chế đặc biệt như Hiệp định Minsk quy định nếu DNR và LNR rút toàn bộ lực lượng vũ trang của mình ra khỏi đây và tiến hành bầu cử theo pháp luật Ukraine.
 
Như vậy, phía Ukraine đã đưa ra những điều kiện không thể thực hiện được bởi vì về thực chất những điều kiện đó đòi hỏi DNR và LNR phải tự nguyện đầu hàng. Chính vì vậy, DNR và LNR đã ra tuyên bố chung bác bỏ gói đạo luật nói trên, gọi đó là những đạo luật “ô nhục”. DNR và LNR còn đe dọa sẽ hủy bỏ việc trao đổi toàn bộ tù binh với Kiev. Thủ tướng Zakharchenko của DNR nói rõ việc trao đổi tù binh sẽ chỉ diễn ra nếu Kiev bắt đầu thực hiện Hiệp định Minsk.
 
Mátxcơva cũng lập tức lên tiếng phản đối. Bộ trưởng Ngoại giao Nga Lavrov đã kêu gọi Đức và Pháp (2 nước đã tham gia Hội nghị Minsk cùng Nga và Ukraine) lên án hành động của Nghị viện Ukraine bởi vì đó là “sự vi phạm thô bạo những bước đầu tiên phần chính trị của Hiệp định Minsk”. Ông Lavrov nhấn mạnh: “Đó hiển nhiên là mưu toan đảo ngược tất cả những gì đã được thỏa thuận” tại Minsk.
 

Các nhà phân tích đã gắn liền hai sự việc trên (việc Kiev gửi đơn khiếu nại Tổng thống Putin đến Tòa án La Haye và việc Nghị viện Ukraine thông qua những đạo luật cứng rắn về Donbass). Họ khẳng định, đó là những bằng chứng cho thấy Kiev đã quyết định chọn con đường leo thang xung đột với hy vọng có thể kiếm thêm điểm trên bàn đàm phán nhờ sự hỗ trợ của Mỹ và EU.

 
Theo Vũ Việt (Tiền Phong)

Nổi bật