Các cuộc tấn công của Ukraine đi xa hơn giới hạn chấp nhận của Mỹ?
Cách đây một vào tuần, những thông tin sai lệch rằng tên lửa Nga tấn công lãnh thổ Ba Lan đã làm dấy lên mối lo ngại về nguy cơ bùng nổ Thế chiến III.
Nhưng nếu đúng là Ukraine đã sử dụng UAV tấn công vào 2 căn cứ không quân nằm sâu trong lãnh thổ của Nga như cáo buộc mà Bộ Quốc phòng Nga đưa ra thì những cuộc tấn công trên có thể tiết lộ những xu hướng quan trọng về việc Kiev đang cố gắng tìm cách thay đổi tình thế theo hướng có lợi cho mình, cũng như lý giải về những căng thẳng ngầm giữa Kiev và Washington.
Từ khi xung đột nổ ra, Ukraine đã sử dụng hệ thống pháo phản lực HIMARS do Mỹ sản xuất để phá hủy các kho đạn dược, trung tâm hậu cần và trung tâm chỉ huy của Nga. Kiev cũng được cho là đã triển khai các lực lượng đặc biệt, đánh bom xe và tấn công vào các mục tiêu ở Bán đảo Crimea, hoặc thậm chí trong lãnh thổ Nga.
Các cuộc tấn công gần đây nhất đã diễn ra tại căn cứ không quân Engels-1 ở Saratov, Russia - một điểm khởi hành của các máy bay chiến đấu Nga nhằm tấn công các mục tiêu của Ukraine.
"Nếu thứ gì đó được phóng vào không phận của các quốc gia khác thì sớm muộn gì những vật thể bay không xác định cũng sẽ quay lại điểm xuất phát", một cố vấn của Tổng thống Volodymyr Zelensky nhận định.
Trước đó, Ukraine đã sử dụng các UAV giá rẻ cỡ nhỏ cho các nhiệm vụ trinh sát và tấn công vào các xe tăng cũng như phương tiện quân sự của Nga, hoặc thậm chí gây thương vong cho quân đội đối phương.
Giới quan sát dự đoán, những cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga sẽ tiếp diễn. Họ cho rằng Kiev cần duy trì sức ép tâm lý và quân sự vào Moscow khi Ukraine tổ chức lại lực lượng để chuẩn bị cho cuộc tiến công lớn tiếp theo. Trong khi đó, Ukraine cũng cần tìm ra những cách thức mới để ngăn cản các cuộc tấn công bằng UAV và tên lửa của Nga nhằm vào các cơ sở hạ tầng quan trọng của nước này.
Tuy nhiên, nếu Ukraine thực sự có ý định tấn công vào lãnh thổ Nga, điều này có thể trở thành nguồn cơn của những rạn nứt giữa Kiev và phương Tây. Trong suốt cuộc xung đột, Ukraine đã một vài lần thử thách giới hạn chịu đựng của Mỹ, giữa bối cảnh Washington luôn tìm cách đảm bảo rằng những chiến thuật này sẽ không gây ra cuộc xung đột lớn hơn.
Rạn nứt ngầm trong quan hệ Mỹ - Ukraine
Khi tình báo Mỹ biết được rằng các nhà chức trách Ukraine đã ra lệnh sát hại nhà báo Nga Darya Dugina, họ đã cố tình để rò rỉ kết luận này, có lẽ nhằm mục đích cảnh báo Kiev không nên cố gắng thực hiện những động thái tương tự trong tương lai. Ukraine đã nhiều lần kêu gọi Mỹ cung cấp các tên lửa tầm xa và UAV hiện đại để tấn công được nhiều mục tiêu hơn ở Crimea và trong lãnh thổ Nga.
Dù vậy, Mỹ vẫn từ chối đề nghị trên, thậm chí còn điều chỉnh hệ thống HIMARS cung cấp cho Ukraine nhằm đảm bảo rằng Kiev không thể sử dụng chúng để tiến hành các cuộc tấn công sâu hơn vào Nga. Trước dư luận, chính quyền Tổng thống Biden công khai bảo vệ quyền của Ukraine trong việc tấn công các mục tiêu của Nga ở Crimea nhưng trong những cuộc thảo luận kín, Washington có thái độ "nước đôi" về vấn đề này.
Những bất đồng trên gần như không được thể hiện công khai khi bức tranh toàn cảnh vẫn là Ukraine và Mỹ hợp tác với nhau để hướng tới chiến thắng. Tuy nhiên, các vấn đề trên đã cho thấy sự khác biệt trong cách Kiev và Washington hiểu về những rủi ro và cách đối phó với chúng.
Tại Washington, Tổng thống Biden đã khẳng định rằng, việc tránh một cuộc đối đầu quân sự với Nga cũng có tầm quan trọng như việc hỗ trợ Ukraine. Trong khi đó, Ukraine không mấy quan tâm đến mối lo ngại căng thẳng leo thang, giữa bối cảnh các cuộc giao tranh ngày càng ác liệt. Với Tổng thống Biden, những phản ứng dây chuyền khiến Mỹ can thiệp trực tiếp vào cuộc xung đột ở Ukraine và dẫn đến một cuộc chiến lớn hơn sẽ là thảm họa. Nhưng với Tổng thống Zelensky, sự tham gia của Mỹ vào cuộc xung đột có thể đồng nghĩa với sự hỗ trợ ngày càng gia tăng cho Ukraine.
Người dân Mỹ chia rẽ về sự ủng hộ cho Ukraine
Theo một cuộc thăm dò dư luận được công bố ngày 5/12, đa số người Mỹ tiếp tục ủng hộ việc cung cấp vũ khí và hỗ trợ kinh tế cho Ukraine. Tuy nhiên, giữa bối cảnh xung đột tiếp tục kéo dài, người Mỹ đã có quan điểm chia rẽ về việc liệu Washington có thúc đẩy Ukraine đạt được thỏa thuận hòa bình với Nga sớm nhất có thể hay không.
Hơn 2/3 những người được hỏi ủng hộ việc cung cấp cho Ukraine hỗ trợ vũ khí và kinh tế trong khi khoảng 3/4 ủng hộ việc tiếp nhận người tị nạn Ukraine cũng như trừng phạt Nga, cuộc thăm dò dư luận của Hội đồng Chicago về Các vấn đề toàn cầu vào tháng trước tiết lộ.
Trong khi sự ủng hộ của người dân Mỹ cho việc hỗ trợ Ukraine vẫn rất mạnh mẽ thì sự ủng hộ của đảng Cộng hòa cho Ukraine đã sụt giảm so với khi xung đột mới nổ ra, với 55% các thành viên đảng Cộng hòa được hỏi cho biết họ ủng hộ việc cung cấp quân sự cho Kiev, so với con số 68% hồi tháng 7 và 80% hồi tháng 3. Một nửa thành viên đảng Cộng hòa tham gia khảo sát ủng hộ việc cung cấp hỗ trợ kinh tế cho Ukraine vào tháng trước, trong khi con số hồi tháng 3 là khoảng 3/4.
Cũng trong tháng trước, Mỹ đã thông báo gói hỗ trợ quân sự mới cho Ukraine - gói hỗ trợ thứ 25 kể từ tháng 8/2021. Gói hỗ trợ trị giá 400 triệu USD này bao gồm các loại vũ khí, đạn dược và trang thiết bị quân sự, nâng tổng giá trị hỗ trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine lên gần 20 tỷ USD kể từ khi Tổng thống Biden nhậm chức, Bộ Quốc phòng Mỹ cho hay.
Với việc cuộc xung đột ở Ukraine đã bước sang tháng thứ 10 và không có dấu hiệu kết thúc, người dân Mỹ có quan điểm chia rẽ về việc liệu Washington có nên thúc đẩy Ukraine tiến tới một thỏa thuận hòa bình với Nga hay không. Theo đó, khoảng 40% người được hỏi cho rằng Mỹ nên tiếp tục mức độ hỗ trợ hiện tại vô thời hạn cho Ukraine, trong khi hồi tháng 7, 58% những người được hỏi cho rằng Mỹ nên hỗ trợ Ukraine lâu nhất có thể, thậm chí cả khi giá lương thực và khó đốt tăng cao. Hiện nay, 57% những người tham gia khảo sát cho rằng Washington nên thúc đẩy Kiev sớm tiến tới thỏa thuận hòa bình.
Theo Kiều Anh (Vov.vn)