Ukraina cho rằng Tổng thống Vladimir Putin đang chuẩn bị một cuộc tấn công toàn diện sau cáo buộc Kiev âm mưu khủng bố Crưm.
Tuy nhiên, một số chuyên gia nhận định, ông Putin nhiều khả năng đang tìm kiếm lợi thế thông qua mặt trận ngoại giao hơn là trên chiến trường, ít nhất là trong thời gian này.
"Tất cả là về các biện pháp trừng phạt" - ông Andrey Kortunov, giám đốc Hội đồng quan hệ quốc tế của Nga, nói với Reuters. "Dường như đây là một cách để tăng áp lực với các nước phương Tây tham gia tiến trình hòa bình Minsk".
Trong hai năm qua, Nga đã chịu trừng phạt của Mỹ và EU sau vụ sáp nhập Crưm và cáo buộc ủng hộ phe ly khai ở Đông Ukraina. Các nhà lãnh đạo EU nói rằng trừng phạt không được dỡ bỏ cho đến khi thỏa thuận hòa bình Minsk được thực thi. Tuy nhiên, thỏa thuận này đang bên bờ vực thất bại, chiến sự lẻ tẻ vẫn tiếp diễn và hai bên đổ lỗi cho nhau vì không thực hiện các điều khoản của thỏa thuận ngừng bắn.
Tuần trước, căng thẳng lại một lần nữa leo thang sau khi Nga đe dọa có biện pháp trả đũa Ukraina vì âm mưu tấn công Crưm. 2 quân nhân Nga thiệt mạng trong cuộc đụng độ với những kẻ phá hoại Ukraina cử đến Crưm.
Trong khi đó, Kiev phủ nhận mọi cáo buộc, nói rằng đó là cái cớ để Nga chuẩn bị cho một cuộc "xâm lược" mới.
Bạo lực đã bùng phát ở Ukraina sau các cáo buộc giữa hai bên. Boroda, lính nhảy dù Ukraina, thành viên tiểu đoàn chiến đấu trên không đang bảo vệ ngôi làng ven biển Shyrokyne, nói rằng phiến quân đã đẩy mạnh bắn phá vào ngôi làng trọng điểm này - nơi đã trở thành một trong những chiến trường đẫm máu nhất trong hơn 2 năm qua - theo AFP.
Tuy nhiên, theo RFI, Nga dường như muốn đấu dịu với phương Tây trong cuộc thảo luận về tình hình Ukraina hôm 15.8 giữa hai ngoại trưởng Nga và Đức, tại Ekaterinbourg. Ngoại trưởng Sergei Lavrov tuyên bố là không để rơi vào bẫy "xúc động". "Nga sẽ không cắt đứt bang giao với Ukraina. Đừng để bị dao động vì những sự cố tại Crưm" - ông Lavrov nói.
Trong cuộc hội kiến với đồng nhiệm Đức Franck-Walter Steinmeier thăm dò khả năng mở lại đối thoại Bộ tứ Normandy gồm Pháp, Đức, Nga và Ukraina, Ngoại trưởng Nga tuyên bố: "Đúng thế, cải thiện tình hình sã góp phần vào biện pháp giải quyết khủng hoảng Ukraina bằng ngoại giao. Phía Nga nghĩ rằng mục tiêu này chỉ có thể đạt được qua việc thi hành các biện pháp đã được ghi trong thỏa thuận Minsk với Đức và Nga mà phần lớn đã được Kiev thực hiện và được Paris và Berlin bảo đảm".
Tuyên bố này cho phép hy vọng có một cuộc đối thoại giữa Nga và Ukraina bên lề hội nghị G20 tại Thượng Hải vào tháng 9.