Ukraina muốn LHQ họp khẩn, Mỹ phủ nhận kế hoạch đối thoại với Nga

24/02/2022 09:50:16

Chính phủ Ukraina kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA) tổ chức họp khẩn sau khi hai khu vực ly khai ở Donbass, miền đông nước này đề nghị Nga trợ giúp quân sự.

Ngoại trưởng Ukraina Dmytro Kuleba thông báo, Kiev đã gửi kiến nghị chính thức đến HĐBA ngay sau nửa đêm ngày 23/2 (giờ địa phương), không lâu sau khi nội dung những bức thư do các lãnh đạo của hai nước cộng hòa tự xưng Donetsk (DPR) và Lugansk (LPR) ở Donbass viết cho Moscow được công bố.

Ukraina muốn LHQ họp khẩn, Mỹ phủ nhận kế hoạch đối thoại với Nga
Ngoại trưởng Ukraina Dmytro Kuleba phát biểu tại phòng họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York, Mỹ ngày 23/2. Ảnh: AP

Theo báo RT, trong thư, những người đứng đầu DPR và LPR nhấn mạnh quân chính phủ Ukraina đang nhận được sự trợ giúp từ Mỹ và các đồng minh phương Tây, đồng thời cáo buộc Kiev đang hướng tới một biện pháp mạnh để xử lý xung đột. Họ đề nghị chính quyền của Tổng thống Nga Vladimir Putin trợ giúp quân sự "nhằm đẩy lui sự gây hấn của các lực lượng vũ trang Ukraina", cũng như tránh thương vong cho dân thường ở Donbass.

Tuy nhiên, Kiev coi động thái trên là "một bước làm leo thang hơn nữa khủng hoảng an ninh" ở miền đông Ukraina. Các quan chức Kiev lo ngại, việc này sẽ dọn đường cho Nga công khai đưa binh sĩ đến các vùng ly khai sau khi Moscow công nhận độc lập của họ, đồng thời đảm bảo để DPR và LPR có thể xúc tiến một cuộc trưng cầu dân ý nhằm sáp nhập vào Nga.

Để đối phó, Chính phủ Ukraina đã ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, huy động 36.000 quân dự bị và ra lệnh hạn chế đi lại tự do khắp đất nước. Kiev cũng yêu cầu các công dân Ukraina rời khỏi Nga ngay lập tức.

Cùng ngày, trả lời câu hỏi của phóng viên ở Washington, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki tuyên bố, Tổng thống Mỹ Joe Biden hiện không có kế hoạch tiếp xúc hay đối thoại với người đồng cấp Nga Vladimir Putin về khủng hoảng Ukraina.

Tại cuộc họp báo, bà Psaki cũng công bố chi tiết các biện pháp trừng phạt kinh tế và áp lực nhằm vào chính phủ và các doanh nghiệp Nga sau quyết định chấn động của Moscow. Tuy nhiên, bà Psaki nhấn mạnh, Mỹ "sẽ không dính líu vào một cuộc chiến tranh với Nga hay đưa binh sĩ đến thực địa ở Ukraina để chiến đấu chống Nga".

Theo Sputnik, các biện pháp trừng phạt Nga đã làm dấy lên lo ngại về những tác động tiêu cực đối với nền kinh tế toàn cầu. Lí do vì, Nga đang là nhà sản xuất dầu lớn thứ 3 và là nhà khai thác khí đốt tự nhiên lớn thứ 2 trên thế giới.

Song, bà Psaki lưu ý, Mỹ đã cân nhắc giải pháp cung ứng thêm dầu từ nguồn dự trữ chiến lược của nước này nhằm giảm thiểu hậu quả của các lệnh trừng phạt đối với Nga.

Theo Tuấn Anh (VietNamNet)