Úc, Nhật Bản sẽ theo sát động thái của tàu Mỹ ở Biển Đông

27/10/2015 22:03:57

Nhật lên tiếng ủng hộ việc tàu chiến Mỹ áp sát đảo nhân tạo phi pháp do Trung Quốc xây ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.

Nhật lên tiếng ủng hộ việc tàu chiến Mỹ áp sát đảo nhân tạo phi pháp do Trung Quốc xây ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
Úc là một những nước có phản ứng sớm nhất, thể hiện sự ủng hộ đối với Mỹ khi Washington quyết định điều tàu chiến vào khu vực 12 hải lý xung quanh đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng phi pháp ở Biển Đông. Bộ trưởng Quốc phòng Úc Marise Payne ngày 27.10 tuyên bố tất cả các quốc gia đều có quyền hành động theo luật pháp quốc tế, trong đó có quyền thực thi tự do hàng hải và di chuyển trên không, kể cả ở Biển Đông.
 
“Úc ủng hộ mạnh mẽ những quyền này”, Bộ trưởng Quốc phòng Úc phát biểu trong thông cáo, theo Australian Associated Press.
 
Bộ trưởng Payne cũng nói rằng Úc không liên quan đến chuyến tuần tra của tàu Mỹ quanh các đảo nhân tạo phi pháp trên Biển Đông, nhưng Canberra có mối quan tâm về việc duy trì hòa bình và ổn định, tôn trọng luật pháp quốc tế và tự do giao thương hàng hải ở Biển Đông.
 
“Gần 60% giá trị xuất khẩu của Úc đi qua khu vực Biển Đông. Úc sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ hơn với Mỹ và những quốc gia khác trong khu vực về trong lĩnh vực an ninh hàng hải”, bà Payne nói.
 

Nhật Bản sẽ theo dõi thường xuyên tàu tuần tra của Mỹ - Ảnh minh họa: Reuters

 
Từ Tokyo, Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga không bình luận cụ thể về hành động của Mỹ; thay vào đó ông Suga cho biết 2 đồng minh này đã chia sẻ thông tin với nhau trước khi Washington quyết định triển khai tàu chiến đến vùng giới hạn 12 hải lý.
 
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani cho rằng việc chia sẻ giữa cộng đồng quốc tế là chìa khóa dẫn đến việc duy trì những vùng biển hòa bình và rộng mở, theo tờ The Japan Times. “Vấn đề của Biển Đông ảnh hưởng an ninh của Nhật, vì vậy chúng tôi sẽ thường xuyên theo dõi sự kiện này trước khi chúng tôi quyết định sẽ hành xử ra sao”, ông Bộ trưởng nói.
 
Ông Ian Storey, chuyên gia về Biển Đông ở Viện nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, bình luận: “Bằng việc sử dụng tàu khu trục có tên lửa dẫn đường thay vì tàu nhỏ hơn, người Mỹ muốn phát đi một thông điệp mạnh mẽ”, chuyên gia này nhận định. “Họ cũng muốn nói rằng sẽ còn nhiều cuộc tuần tra như thế nữa”, ông nói tiếp.
 
Ngày 27.10, Mỹ đã điều tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường USS Lassen tiến hành tuần tra quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng phi pháp ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Theo quan chức quốc phòng Mỹ, sáng ngày 27.10, tàu khu trục USS Lassen của Hải quân Mỹ đã hoàn tất chuyến tuần tra gần sát Đá Xu Bi.
 
>> Trung Quốc triệu hồi đại sứ Mỹ về việc điều tàu tuần tra
>> Vì sao Mỹ chọn tuần tra gần đá Vành Khăn và Subi
>> GS Carl Thayer: Đây mới là khởi đầu, Mỹ sẽ điều thêm tàu
>> Khu trục hạm Mỹ đang tiến vào gần đảo nhân tạo Trung Quốc
>> Sức mạnh khu trục hạm Mỹ điều đến Biển Đông
 
Theo Minh Quang (Thanh Niên Online)

Nổi bật