Ông trùm một thời của đế chế dầu mỏ Yukos Mikhail Khodorkovsky hồi đầu tuần đã có cuộc nói chuyện với người đứng đầu Ủy ban bầu cử Trung ương Nga Ella Pamfilova và cho rằng bà nên từ chối đơn tự ứng cử của Tổng thống đương nhiệm Vladimir Putin cho cuộc bầu cử vào năm sau.
Ông Khodorkovsky tuyên bố rằng, ông Putin vẫn là người điều hành thực sự trong nhiệm kỳ Tổng thống của ông Dmitry Medvedev từ năm 2008- 2012. Do đó, vẫn có thể tính đó là một nhiệm kỳ Tổng thống của ông Putin và việc tự ứng cử làm một ứng cử viên độc lập của đương kim Tổng thống có thể vi phạm pháp luật về việc cấm không được phục vụ nhiều hơn 2 nhiệm kỳ liên tiếp.
Tuy nhiên, sau đó bà Pamfilova đã nói rằng, bà bác bỏ lời kêu gọi của ông Mikhail Khodorkovsky để từ chối đơn đăng ký ứng cử viên Tổng thống của Vladimir Putin trong cuộc bầu cử vào năm tới, đồng thời lưu ý rằng bà sẽ tuân thủ đúng pháp luật.
"Tôi không sợ phải chịu trách nhiệm về những quyết định của tôi trước lịch sử hay trước bất cứ ai bởi vì tất cả đều dựa trên Hiến pháp, luật pháp, nguyên tắc cuộc sống và niềm tin của tôi. Tất cả các nỗ lực áp dụng áp lực lên tôi hoặc các đồng nghiệp của tôi trong Ủy ban Bầu cử Trung ương là vô nghĩa"- bà Ella Pamfilova trả lời.
Trên thực tế, lần tự ứng cử của Tổng thống Putin trong cuộc bầu cử năm 2018 là hợp Hiến pháp Nga.
Tính từ khi hình thành (năm 1991) cho đến nay, Liên bang Nga có 14 lần sửa đổi Hiến pháp. Tuy có nhiều cải cách về luật, song các điều khoản cơ bản hiện nay vẫn dựa vào Hiến pháp đầu tiên (năm 1993) dưới thời Tổng thống Boris Yeltsin.
Về bầu cử Tổng thống, Hiến pháp Liên bang Nga hiện hành quy định: “Chức vụ tổng thống Nga có thời hạn kéo dài 6 năm, do người dân Nga đi bầu trực tiếp với hình thức bỏ phiếu kín, áp dụng các quy định chung theo luật bầu cử công bằng” (Chương 4, điều 81).
Ngoài ra, Hiến pháp Nga cũng nêu rõ, ứng cử viên tranh chức tổng thống phải là công dân Nga, tuổi ngoài 35 và sống ít nhất ở Nga trên 10 năm. Hiến pháp khẳng định: “Không cá nhân nào có thể giữ chức vụ tổng thống Nga quá 2 nhiệm kỳ liên tiếp”.
Theo đó, tính từ năm 2012 đến nay, ông Putin đảm đương vai trò Tổng thống Nga ở nhiệm kỳ 6 năm đầu tiên. Về luật định, ông Putin có quyền ứng cử thêm 1 nhiệm kỳ nữa và điều đó không trái với Hiến pháp nước Nga hiện nay. Đương nhiên điều này không tính tới khoảng thời gian ông Putin làm Tổng thống thời điểm trước năm 2012.
Ông Vladimir Putin giữ chức vụ tổng thống Nga trong 2 nhiệm kỳ từ năm 2000 đến 2008. Sau đó, chức vụ tổng thống Nga được chuyển giao cho ông Dmitry Medvedev. Năm 2012, ông Putin tiếp tục đắc cử tổng thống Liên bang Nga ở nhiệm kỳ mới.
Rõ ràng, sự luân phiên quyền lực đã thể hiện cách tính toán khôn ngoan và hợp hiến của ông Vladimir Putin và đội ngũ thân cận.
Luật bầu cử Tổng thống ở Nga trái với nhiều nước trên thế giới.
Như ở Hoa Kỳ, Hiến pháp nước này quy định “không ai được bầu vào vị trí tổng thống quá 2 lần”, không quan trọng là “liên tiếp” hay không liên tiếp.
Ở châu Á, Hiến pháp Hàn Quốc nêu ra chặt chẽ hơn: “Nhiệm kỳ Tổng thống là 5 năm và Tổng thống không thể được bầu lại”.
Theo Huy Vũ (Đất Việt)