Elon Musk (49 tuổi), Giám đốc điều hành Tesla hiện đang chễm chệ trên ngôi vị tỷ phú giàu nhất thế giới. Theo đó, giá trị tài sản ròng mà ông đang sở hữu đã vượt qua con số 136 tỷ bảng Anh. Đây chắc chắn bảo chứng tuyệt vời nhất cho đầu óc kinh doanh, sự nhanh nhạy và tài nhìn người của Elon Musk.
Theo các nguồn thông tin, khi tuyển dụng, tỷ phú người Mỹ gốc Nam Phi này sẽ không quan tâm đến quá trình học tập cũng như trình độ học vấn của ứng viên. "Tôi không yêu cầu họ phải có bằng đại học thậm chí bằng trung học cũng không", ông từng nói trong một cuộc phỏng vấn năm 2014 trên Auto Bild.
Đến đây, có lẽ dân tình nhiều người thấy như "mở cờ trong bụng" rồi đúng không, nhưng khoan, nghe tỷ phú Elon Musk nói hết đã. Thay vì quan tâm đến bằng cấp, giám đốc Tesla có cách đặc biệt hơn để tuyển nhân viên và yêu cầu đầu tiên là: Thành thật. Nói rõ hơn, tốt hơn hết ứng viên cần nhất phải thành thật với Elon Musk vì ông có thể nhìn thấu tâm can họ bằng một câu hỏi duy nhất.
"Nếu hồ sơ xin việc ứng viên có đề cập đến thành tựu đặc biệt đã đạt được, thì có khả năng sẽ có thêm nhiều thành tựu hơn trong tương lai, họ xứng đáng với một cơ hội từ công ty tôi", ông nói. Nhưng để biết ứng viên có đang nói dối trong CV không, Elon Musk thừa nhận có một câu hỏi mà gặp ai ông cũng hỏi. Tại Hội nghị thượng đỉnh Chính phủ Thế giới năm 2017, Elon Musk tiết lộ "câu thần chú" yêu thích này của mình: "Hãy kể cho tôi nghe về một số vấn đề khó khăn nhất mà bạn đã giải quyết và cách bạn giải quyết chúng."
Để giải thích, tỷ phú lập luận: "Những người thực sự từng vật lộn để giải quyết một vấn đề lớn nào đó trong quá khứ thì họ sẽ hiểu tường tận về nó và sẽ không bao giờ quên được. Khi nghe câu trả lời của họ, bạn sẽ biết ngay ứng viên có nói dối trong CV xin việc hay không".
Thật vậy, một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Nghiên cứu Ứng dụng về Trí nhớ và Nhận thức vào tháng 12 năm 2020 đã củng cố lập luận của người đứng đầu Tesla.
"Những chi tiết nhỏ là 'mạch máu' trong một cuộc điều tra và có thể cung cấp cho các nhà điều tra dữ kiện để đưa ra kết luận. Nếu họ cung cấp lời khai dài hơn, chi tiết hơn về vấn đề được nêu ra thì điều tra viên sẽ có thêm dữ liệu để phân tích. Vì vậy, nếu đang nói dối và sợ bị lộ, người được thẩm vấn có xu hướng cung cấp ít thông tin hơn và nói qua loa hơn." Cody Porter, một trong những tác giả và là giảng viên cao cấp tại Đại học Portsmouth, đã viết trong một bài báo cho The Conversation.
Theo P.H (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)