Với tỷ lệ thất nghiệp dưới mức 3%, Nhật Bản vẫn được xem là nơi trú ẩn an toàn trong thời kỳ kinh tế suy thoái do đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, theo các nhà hoạt động xã hội, khi nhìn vào nhóm người dễ bị tổn thương nhất mới có thể thấy tác động của COVID-19 lớn thế nào.
Đại dịch COVID-19 đã phơi bày góc khuất đói nghèo tại một xã hội giàu có như Nhật Bản với tình trạng thiếu việc làm, thừa nhân công và những công việc tạm thời được trả lương bèo bọt. 40% người lao động ở trong tình trạng công việc không thường xuyên và có thể bị chấm dứt hợp đồng vào bất cứ lúc nào.
Tổng số người lao động thất nghiệp là 19,1 triệu, tăng 290.000 người so với năm 2019. Số lao động nghỉ việc tạm thời năm 2020 cũng ghi nhận mức kỷ lục từ năm 1968 là 2,56 triệu người, tăng 800.000 người.
Tỷ lệ thất nghiệp hoàn toàn của Nhật Bản đã duy trì mức cao trong nhiều tháng gần đây, trong đó, tỷ lệ này trong tháng 12/2020 là 2,9%. Theo đó, trong tháng 12/2020, tổng số lao động thất nghiệp của Nhật Bản là 2,04 triệu người, tăng 60.000 người so với tháng trước đó. Tỷ lệ thất nghiệp ở nam giới là 3,1%, giảm 0,1 điểm, trong khi tỷ lệ thất nghiệp ở nữ giới là 2,7%, tăng 0,3 điểm.
Tính đến tháng 12/2020, tổng số lao động của Nhật Bản là 66,95 triệu, giảm 60.000 người so với năm trước đó. Một quan chức Bộ Y tế, Lao động và phúc lợi xã hội Nhật Bản cho biết, tỷ lệ thất nghiệp hoàn toàn của Nhật Bản trong tháng 12/2020 ổn định so với tháng trước. Tuy nhiên, thị trường lao động của nước này vẫn diễn biến tiêu cực khi số lượng lao động giảm và tỷ lệ tuyển dụng không cải thiện.
Khoảng 0,5 triệu người dân Nhật Bản đã rơi vào tình cảnh thất nghiệp trong 6 tháng qua. Những người vốn đã sống trong khó khăn nay càng thêm khốn khó vì tác động của đại dịch COVID-19. Một vấn đề đáng lo ngại khác là theo cảnh báo của các chuyên gia, những mất mát về kinh tế có thể dẫn tới sự gia tăng tỷ lệ tự tử tại Nhật Bản, một thực trạng đã xảy ra vào năm 2020.
Đức Minh (nguoiduatin.vn)