Theo dữ liệu từ Tổng cục Thống kê Hàn Quốc, số lượng trẻ sơ sinh trung bình dự kiến của phụ nữ nước này trong suốt chu kỳ sinh nở đã giảm xuống mức thấp kỷ lục, từ 0,78 xuống còn 0,72 vào năm 2022.
Con số này thấp hơn nhiều so với tỉ lệ 2,1 cần thiết cho một dân số ổn định và thấp hơn nhiều so với tỉ lệ 1,24 vào năm 2015 khi những lo ngại về các vấn đề như chi phí nhà ở và giáo dục thấp hơn.
Kể từ năm 2018, Hàn Quốc là thành viên duy nhất của Tổ chức Hợp tác Phát triển Kinh tế (OECD) có tỷ lệ sinh dưới 1, bất chấp việc nước này đã phải chi hàng tỷ USD để cố gắng đảo ngược xu hướng dân số giảm trong năm thứ tư liên tiếp vào năm 2023.
Hàn Quốc cũng là quốc gia có khoảng cách lớn nhất trong chi trả lương dựa theo giới tính trong khối OECD khi phụ nữ Hàn Quốc chỉ được nhận số tiền bằng 2/3 thu nhập của nam giới.
Giáo sư Jung Jea-hoon tại Đại học Phụ nữ Seoul cho biết, phụ nữ Hàn Quốc thường khó khăn trong việc tích luỹ kinh nghiệm để leo lên một vị trí cao hơn, bởi họ thường là người duy nhất trong gia đình chăm sóc con cái, và chỉ có thể trở lại thị trường lao động sau kỷ nghỉ sinh kéo dài.
Gwak Tea-hee, Phó giám đốc tại một nhà máy sản xuất sữa tại Hàn Quốc cho biết, việc có con nằm trong kế hoạch của cô sau 3 năm kết hôn nhưng lại không muốn bỏ lỡ các cơ hội thăng tiến.
Gwa cũng đã cân nhắc về việc thụ tinh nhân tạo (IVF) vào năm ngoái để cố gắng sinh con, nhưng phải dừng lại để dành thời gian cho các dự án nhằm cải thiện triển vọng nghề nghiệp của mình.
“Tôi không biết những nơi khác như thế nào nhưng việc chỉ đi làm 2 hoặc 3 ngày một tuần trong các công ty Hàn Quốc sẽ không cho bạn bất kỳ kết quả nào. Tôi hi vọng sẽ không quá muộn khi tôi cố gắng vào năm tới hoặc năm sau”, Gwak Tea-hee cho biết thêm.
Cuộc khủng hoảng nhân khẩu học tại Hàn Quốc đã trở thành rủi ro hàng đầu đối với tăng trưởng kinh tế và hệ thống phúc lợi xã hội. Dân số Hàn Quốc từ 51 triệu người đang trên đà giảm một nửa vào cuối thế kỷ này.
Hàn Quốc trước đây đã dự đoán tỷ lệ sinh của nước này có thể sẽ giảm hơn nữa, xuống 0,68 vào năm 2024. Tại Seoul, nơi có chi phí nhà ở cao nhất đất nước, có tỷ lệ sinh thấp nhất là 0,55 vào năm ngoái.
Trước cuộc bầu cử vào tháng 4 tới, các đảng chính trị lớn của Hàn Quốc cam kết sẽ có thêm nhiều nhà ở xã hội và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các khoản vay nhằm khuyến khích việc sinh con và xoa dịu lo lắng về mối nguy khôn lường khi tỷ lệ sinh sụp đổ.
Kết hôn được xem là điều kiện tiên quyết để có con tại Hàn Quốc, nhưng chính tỉ lệ hôn nhân cũng đang suy giảm tại quốc gia này.
Theo Tổng cục Thống kế Hàn Quốc, việc giải quyết tình trạng không sinh con cũng sẽ là trọng tâm chính sách của nước này nhằm tăng tỉ lệ sinh.
Việc các bên tập trung vào vấn đề dân số trong cuộc bầu cử đã phản ánh về tình trạng đáng báo động sau khi nước này phải chi hơn 360.000 tỷ won (270 tỷ USD) cho các lĩnh vực như trợ cấp chăm sóc trẻ em kể từ năm 2006 đến nay, nhưng vẫn không thể giải quyết được tình trạng mức sinh thấp kỷ lục này.
Tuy vậy, Hàn Quốc không phải là quốc gia duy nhất trong khu vực đang phải đối mặt với tốc độ già hoá dân số một cách chóng mặt. Nước láng giềng Nhật Bản vào ngày 27/2 cho biết, số trẻ sơ sinh chào đời vào năm 2023 đã giảm xuống mức thấp kỷ lục mới trong vòng 8 năm qua.
Tỷ lệ sinh của Nhật Bản đạt mức thấp kỷ lục 1,26 vào năm 2022, trong khi Trung Quốc ghi nhận một mức thấp kỷ lục khác là 1,09.
Nguồn Reuters
Theo Ngọc Anh (Vov.vn)