Quản lý rác thải là một phần cuộc sống hàng ngày và là một trong những thách thức gia tăng lớn nhất mà con người phải đối mặt. Singapore cũng không ngoại lệ.
Theo thống kê, đảo quốc sư tử có hơn 7,2 triệu tấn rác thải rắn được tạo ra năm 2019 và trong số này có tới 2,95 triệu tấn không thể tái chế. Để xử lý cẩn thận và hiệu quả một lượng rác thải khổng lồ như vậy ở quốc gia chỉ 5,63 triệu dân là một nhiệm vụ không hề dễ dàng.
Xử lý rác thải thời hậu Covid-19
Quản lý và xử lý chất thải là một công việc ngày càng phức tạp do những thay đổi xã hội tác động đến đời sống thường ngày trên toàn thế giới nói chung và Singapore nói riêng.
Với những món ăn nhanh mua mang đi hay suất cơm gà đặt trên mạng thời dịch Covid-19, hộp đóng gói (gồm cả thìa dĩa) đều là rác thải nhựa. Còn những chiếc khẩu trang sử dụng hàng ngày? Chúng cũng trở thành rác, thậm chí như khẩu trang dùng trong phẫu thuật còn được xếp vào diện rác thải y tế vì có thể chứa vi trùng và bệnh tật.
Quản lý rác thải ở Singapore là trách nhiệm của Cơ quan Môi trường quốc gia (NEA), chuyên trách xử lý hệ thống quản lý đối với rác thải thông thường và rác thải nguy hại.
Rác thải được phân thành 3 loại, với mỗi loại có những thách thức riêng trong thu gom và xử lý.
Bao bì: Theo thống kê năm 2018, hơn 1/3 trong số 1,6 triệu tấn rác thải sinh hoạt từ các hộ gia đình ở Singapore là bao bì các loại - bao gồm chai nhựa, hộp sữa, túi giấy, khay đựng trứng và hộp kim loại. Một trong những nhân tố lớn góp phần là các đồ đóng gói dùng một lần như hộp đụng sữa chua, chai lọ đựng nước cam và nước ngọt dùng một lần.
Rác thực phẩm: Mặc dù mọi người liên tục được yêu cầu ăn hết thức ăn nhưng rác thải thực phẩm thực sự là một trong những nguồn lãng phí lớn nhất ở Singapore, tăng lên tới 30% trong 10 năm qua. Trong năm 2019, hơn 744.000 tấn rác thực phẩm được tạo ra, với hơn 80% được xử lý.
Một số rác thực phẩm là không thể tránh khỏi - chẳng hạn như vỏ trứng, vỏ cua, cá và xương gà. Tuy vậy, phần lớn vẫn có thể tránh được, trong đó có thực phẩm hết hạn, trái cây, rau củ bị hư hỏng vì bảo quản không đúng cách hoặc ôi thiu vì dùng không hết.
Rác điện tử: Từ những chiếc điện thoại di động cũ đến những máy tính xách tay và tivi đã hỏng từ lâu..., rác thải điện tử đang ngày càng gia tăng khi con người giàu có thêm và công nghệ tiến bộ liên tục cho ra đời các sản phẩm tiện ích mới.
Singapore tạo ra trung bình 60.000 tấn rác điện tử mỗi năm, với chưa đầy 6% trong số này được tái chế. Thách thức đối với loại rác này là sự hiện diện của các hóa chất độc hại như cadmium, chì và nhiều kim loại nặng khác có thể ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường nếu không được xử lý đúng cách.
Thu gom và xử lý
Ở Singapore, công việc khó nhọc này được thực hiện bởi những người thu gom rác thải tổng hợp được cấp phép (GWC), chuyên trách thu gom rác cho các khu vực khác nhau.
Tuy tái chế là lựa chọn tốt nhất, khoảng 41% số rác thải cần phải được xử lý và Singapore thực hiện việc này thông qua các nhà máy đốt, biến rác thải thành năng lượng, và đảo chôn rác Semakau.
Do khan hiếm đất nên việc đốt rác thải chọn lọc (chẳng hạn như thực phẩm, giấy, chất thải nguy hại và chất thải y tế) giúp giảm khoảng 90% khối lượng chất thải rắn. Điều này được thực hiện thông qua 4 nhà máy sản xuất điện từ rác thải gồm Tuas, Senoko, Tuas South và Keppel Seghersa.
Tro từ lò đốt sau đó được chuyển đến Semakau để chôn.
Trải rộng hơn 3,5 km2, đảo Semakau là bãi rác đầu tiên và duy nhất nằm ngoài khơi phía nam Singapore. Những rác không thể tái chế và không thể đốt cũng được đưa tới đây để chôn.
Dự tính Semakau sẽ hoạt động cho tới tận 2045 nhưng với lượng rác thải gia tăng chưa từng có, chính phủ Singapore đang tập trung nghiên cứu nhiều giải pháp quản lý rác khác nhau, với sự hợp tác của các doanh nghiệp và người dân.
Hành động của chính phủ
Chính phủ Singapore triển khai chương trình xử lý rác thông minh kể trên từ năm 2001, đưa vào giới thiệu rộng rãi ở các trường học, văn phòng và trung tâm mua sắm.
Đến nay, chính phủ Singapore cũng triển khai thêm nhiều biện pháp chủ động nhằm giảm thiểu thách thức về rác thải, bằng cách giải quyết cả khâu phát sinh và thu gom. Hai sáng kiến nổi bật là Thỏa thuận Đóng gói Singapore và Quan hệ Đối tác tự nguyện quốc gia về tái chế rác thải điện tử.
Thỏa thuận Đóng gói tập hợp các công ty lại với nhau cùng cam kết giảm thiểu rác thải bao bì để không chỉ giúp giảm lượng rác thải phát sinh mà còn tiết kiệm chi phí. Tính đến tháng 7/2019, hơn 239 bên tham gia với hơn 54.000 tấn chất thải bao bì được giảm thiểu, và tiết kiệm được khoảng 130 triệu đôla Singapore trong thời gian 10 năm.
Quan hệ Đối tác tự nguyện quốc gia về tái chế rác điện tử quy tụ các đối tác trong ngành lại với nhau nhằm nâng cao nhận thức của người dân về việc xử lý rác điện tử một cách an toàn, đồng thời cung cấp thêm các điểm tái chế cụ thể để thực hiện.
Trong vai trò người tiêu dùng, mọi dân Singapore đều trực tiếp góp phần tạo ra rác thải ở Singapore và có thể tham gia giảm lượng rác thải với ý thức giữ gìn đất nước xanh và sạch hơn, dựa trên 3 điều: Giảm thiếu, tái sử dụng và tái chế. (3R: Reduce, Reuse và Recycle).
Theo Thanh Hảo (Vietnamnet)