Các khu vực biên giới của Nga thường xuyên phải hứng chịu các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa cũng như pháo kích của quân đội Ukraine kể từ đầu cuộc xung đột ở Ukraine.
Một trong những cuộc tấn công nguy hiểm nhất xảy ra vào ngày 30-12-2023, khi lực lượng Ukraine tấn công thành phố biên giới Belgorod của Nga bằng nhiều bệ phóng tên lửa, trong đó có pháo phản lực phóng loạt "Ma cà rồng" RM-70 (RM-70 Vampire) - phiên bản nâng cấp nặng hơn của BM-21 Grad của Liên Xô.
Đài RT dẫn lời Tổng thống Putin cho biết: "Khu phi quân sự này phải nằm cách lãnh thổ của chúng ta một khoảng cách để đảm bảo an ninh (của các thành phố của Nga)".
Ông Putin nói rằng ông đang đề cập cụ thể đến việc bảo vệ các thành phố Nga khỏi các loại vũ khí tầm xa mà chính quyền Ukraine sử dụng để tấn công.
Theo ông chủ Điện Kremlin, lực lượng Nga chiến đấu trên tiền tuyến đang đẩy quân đội Kiev ra khỏi biên giới Nga để bảo vệ an ninh quốc gia.
Ngay từ đầu, "phi quân sự hóa" Ukraine đã được coi là mục tiêu chính của chiến dịch quân sự đang diễn ra của Nga.
Ông Putin đặc biệt đề cập một khu phi quân sự sẽ được thành lập ở Ukraine vào tháng 6-2024. Khi đó, Tổng thống Nga lưu ý khu vực này có thể được thành lập nếu lực lượng Ukraine tiếp tục tiến hành các cuộc tấn công vào các thành phố của Nga.
Ông Putin nhấn mạnh mục tiêu của động thái này là khiến quân đội Ukraine không thể "tiếp cận chúng tôi".
Mỹ và các đồng minh đã tích cực cung cấp cho Ukraine các loại vũ khí hạng nặng trong suốt cuộc xung đột, từ các loại pháo khác nhau cho đến nhiều bệ phóng tên lửa và hệ thống tên lửa.
Danh sách các loại vũ khí tầm xa do phương Tây sản xuất mà Kiev sở hữu bao gồm tên lửa Storm Shadow do Anh sản xuất có tầm bắn 250 km và Hệ thống Tên lửa Tác chiến Lục quân (ATACMS) do Mỹ sản xuất với tầm bắn tối đa 160 km.
Đầu tuần này, tờ Politico đưa tin Washington có thể cung cấp cho Kiev loại bom đường kính nhỏ phóng từ mặt đất (GLSDB). Loại bom này cũng có tầm bắn khoảng 160 km.
Về vụ máy bay vận tải quân sự Il-76 của Nga rơi ngày 24-1, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Ukraine đã sử dụng hệ thống phòng không Patriot do Mỹ cung cấp để bắn hạ máy bay Il-76.
Các nhà điều tra Nga chưa bình luận chính thức về kết quả cuộc điều tra đang tiến hành.
Các nguồn tin thân cận với cuộc điều tra nói với hãng tin TASS rằng phân tích hộp đen của máy bay cho thấy máy bay bị cố ý bắn hạ. Sau đó, một nguồn tin cũng nói với hãng tin này rằng "rất có khả năng" hệ thống tên lửa đất đối không Patriot do Mỹ cung cấp đã được sử dụng.
Theo Huệ Bình (Nld.com.vn)