Ngày 14/1, Tòa án Nhân dân cấp trung Đại Liên, phía Đông Bắc Trung Quốc tuyên án tử hình đối với Robert Lloyd Schellenberg, công dân Canada vì tội buôn lậu ma túy. Bản án đảo ngược hình phạt 15 năm tù từ năm 2016 và công dân Canada có quyền kháng cáo trong 10 ngày.
Trung Quốc nói họ chỉ đơn giản là đang kết án một công dân nước ngoài phạm tội theo luật pháp. Tuy nhiên đối với cộng đồng quốc tế, bao gồm Thủ tướng Canada Justin Trudeau, quyết định nhạy cảm được đưa ra trong thời điểm quan hệ ngoại giao Trung Quốc - Canada đang ở giai đoạn căng thẳng đỉnh điểm đặt ra nhiều câu hỏi về động cơ thực sự phía sau.
Vụ việc xảy ra sau khi Canada bắt giữ giám đốc tài chính công ty công nghệ hàng đầu Trung Quốc, Mạch Vãn Chu (Meng Wanzhou) tại Vancouver cuối năm 2018 theo yêu cầu của Mỹ. Truyền thông nhà nước Trung Quốc khi đó đã cảnh báo Bắc Kinh có thể “trả thù” nếu bà Mạch bị dẫn độ đến Mỹ.
Bản án tử hình mới được công bố cùng việc hai công dân Canada khác bị Trung Quốc bắt giữ với cáo buộc làm hại đến an ninh quốc gia, dường như xác nhận giả thiết này. Một số bình luận cho rằng Trung Quốc đang chơi bài “con tin chính trị”, gây sức ép với Canada về vụ của bà Mạch dù Bắc Kinh phủ nhận.
"Cường quốc đơn độc"
Theo Tiến sĩ John Lee, từng là cố vấn an ninh cho Ngoại trưởng Australia, tuyên án tử hình Schellenberg có thể phản tác dụng với Bắc Kinh. Trong khi Bắc Kinh đang cần giành được nhiều sự ủng hộ cả về lý trí và tình cảm, phán quyết sẽ chỉ đẩy lùi các nước thân thiện, củng cố sự thống nhất và quyết tâm của các bên ủng hộ việc Ottawa bắt giữ bà Mạch.
Ông Lee nhận định, Trung Quốc là một cường quốc đang phát triển nhưng đơn độc và không được tin tưởng rộng rãi, có ít đồng minh và người ủng hộ lâu dài. Kết án một người Canada đến chết chỉ làm dấy lên sự nghi ngờ tập thể của cộng đồng và làm sâu sắc thêm sự cô lập của họ.
Có thể nhìn vào một số hoàn cảnh va chạm của Bắc Kinh với quốc tế trong những năm gần đây.
Trước tiên, Trung Quốc đang ở tư thế bất lợi trong cuộc chiến thương mại với Mỹ. Washington tuyên bố Bắc Kinh tìm cách thống trị các lĩnh vực công nghệ cao và quan trọng nhất trong tương lai thông qua những lợi thế không công bằng dành cho các công ty nhà nước. Mỹ cũng cáo buộc rằng các tác nhân nhà nước Trung Quốc thực hiện và cho phép đánh cắp hàng nghìn tỷ USD tài sản trí tuệ từ các công ty Mỹ và các công ty kinh tế tiên tiến khác.
Liên minh châu Âu và Nhật Bản bày tỏ mối quan tâm tương tự, đặc biệt là liên quan đến trộm cắp tài sản trí tuệ. Bên cạnh đó, nhiều quốc gia bày tỏ mối quan ngại với Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Ngày càng có nhiều chuyên gia và nhà ngoại giao cáo buộc BRI thực chất là chính sách "ngoại giao bẫy nợ" của Bắc Kinh đối với các nền kinh tế dễ bị tổn thương. Họ chỉ ra Sri Lanka, Pakistan, Campuchia, Lào, Malaysia, Mông Cổ và Djibouti là những ví dụ bị vướng vào "bẫy nợ" của Trung Quốc một khi họ không có khả năng trả lại các khoản vay khổng lồ.
Những quốc gia thân thiện phải hứng chịu sự phẫn nộ về kinh tế của Trung Quốc sau khi đưa ra các quyết định chính trị hoặc chiến lược làm mất lòng Bắc Kinh. Các biện pháp trừng phạt kinh tế "không chính thức" đối với Hàn Quốc đã được Bắc Kinh áp dụng sau khi Seoul đưa ra quyết định lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD của Mỹ, khiến khách du lịch Trung Quốc giảm mạnh và các công ty Hàn Quốc hoạt động khó khăn tại Trung Quốc.
Cuối năm 2017, quan hệ giữa Australia và Trung Quốc trở nên băng giá, sau khi Canberra công bố nhiều luật mới nhằm thắt chặt các quy trình bầu cử và an ninh của đất nước, bao gồm lệnh cấm quyên góp nước ngoài, một động thái được coi là cố gắng kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc. Năm 2018 xuất hiện nhiều thông tin các bộ trưởng Australia bị từ chối visa đến Trung Quốc.
Bản án phản tác dụng
John Lee, chuyên gia về tình hình chiến lược châu Á - Thái Bình Dương cho rằng điểm nổi bật trong tất cả các ví dụ trên là tầm với của Trung Quốc rất sâu rộng và các mục tiêu chính trị của họ dường như được ưu tiên hơn cả.
"Các hoạt động kinh tế và các hoạt động khác được thực hiện bởi các thực thể và cá nhân Trung Quốc không bao giờ có thể đánh giá được ở bề mặt đơn thuần, vì chúng có thể bị chi phối bởi các yếu tố chính trị" - chuyên gia viết.
Vì điều này, gánh nặng của Trung Quốc là phải xua tan ấn tượng rằng số phận của Schellenberg gắn liền với việc liệu giám đốc Mạch có bị dẫn độ sang Mỹ để đối mặt với phiên tòa hay không - trong khi phạm tội gì và mức độ nghiêm trọng như thế nào chỉ là ưu tiên cân nhắc thứ hai.
Nếu Trung Quốc không thể xóa bỏ được ấn tượng này, mối liên hệ bị nghi ngờ giữa bản án của Schellenberg với số phận của bà Mạch sẽ chỉ củng cố lập luận của các cơ quan tình báo phương Tây rằng Huawei không phải là một công ty tư nhân thông thường, rằng Huawei nhận được sự hỗ trợ và bảo vệ đặc biệt của chính phủ Trung Quốc, đổi lại thực hiện các mục tiêu của họ.
Trong trường hợp này, bản án tử hình làm tăng khả năng Huawei bị đẩy khỏi khỏi các nền kinh tế Five Eyes (liên minh tình báo của 5 nước nói tiếng Anh - Mỹ, Anh, Canada, Australia và New Zealand) - bao gồm cả các dự án mạng 5G của họ. Đó sẽ là khởi đầu then chốt, theo sau có thể là Nhật Bản và EU.
Việc lập tức sa thải giám đốc kinh doanh Huawei ở Ba Lan bị bắt giữ vì những cáo buộc làm gián điệp cho chính phủ Trung Quốc càng không giúp tập đoàn này cải thiện được hình ảnh.
Tiếp tục, nếu Bắc Kinh nhắm vào Canada, đây là một lựa chọn đặc biệt phản tác dụng đối với Trung Quốc. Trong khi các chính sách của Trung Quốc bị chỉ trích thì chính phủ Canada lại được ủng hộ vì cư xử mềm mỏng với Bắc Kinh. Trung Quốc nếu tiếp tục tấn công vào Ottawa thì theo các chuyên gia nhận định sẽ chỉ nhận được sự tức giận và phản ứng ngược từ dư luận quốc tế.
Theo Phương Anh (Vtc.vn)