Ngày 1/3 vừa qua, cựu Tổng thống Pháp nhiệm kỳ 2007 – 2012, ông Nicolas Sarkozy đã bị Tòa tiểu hình tại Paris kết án 3 năm tù, trong đó 1 năm tù giam, 2 năm tù treo về các tội danh tham nhũng và hối lộ. Đây là sự kiện chưa từng có tiền lệ trong Nền Đệ ngũ Cộng hòa tại Pháp, từ năm 1958 tới nay.
Năm 2010, vụ án Woerth-Bettencourt (cũng được gọi ngắn gọn hơn là vụ án Bettencourt) nổ ra, xung quanh xung đột lợi ích giữa ông Eric Woerth – Bộ trưởng Ngân sách (sau đó là Bộ trưởng Lao động), nhân vật thân cận với Tổng thống Nicolas Sarkozy - và nữ tỷ phú Liliane Bettencourt của tập đoàn L’Oréal, một trong những người giàu nhất nước Pháp. Ông Nicolas Sarkozy là người có liên quan tới vụ án này khi kế toán của tập đoàn L’Oréal cáo buộc có sự tài trợ bất hợp pháp cho chiến dịch tranh cử năm 2007 của ông Sarkozy.
Theo Hiến pháp của Cộng hòa Pháp, sửa đổi năm 2007, Tổng thống Nicolas Sarkozy được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự trong suốt nhiệm kỳ, đồng thời với tư cách Tổng thống, ông Sarkozy được hưởng quyền bất khả xâm phạm một cách tuyệt đối khi còn nắm quyền. Vì vậy, phải đến năm 2013, cựu Tổng thống Sarkozy mới bị cơ quan điều tra thẩm vấn liên quan vụ án Woerth-Bettencourt, nhưng được miễn truy tố sau đó 5 tháng do tòa án không có bằng chứng cho thấy ông Sarkozy đã nhận tiền từ nữ doanh nhân Liliane Bettencourt để phục vụ chiến dịch tranh cử.
Cũng trong năm 2013, ông Nicolas Sarkozy vướng phải một cuộc điều tra tương tự liên quan chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 2007, đó là nghi vấn ông này, thông qua đội ngũ tranh cử, hoặc người thân, nhận 5 triệu euro từ chính quyền Libya (thời điểm đó do ông Mouammar Khadafi nắm quyền).
Đến năm 2018, ông Nicolas Sarkozy bị tạm giữ và thẩm vấn, sau đó bị kiểm soát tư pháp. Vụ án này rất phức tạp và đến nay vẫn chưa kết thúc. Cho đến gần đây, doanh nhân người Libya, ông Ziad Takieddine, người hồi năm 2016 khẳng định đã chuyển tiền từ Libya sang Pháp cho ông Sarkozy, đã lên tiếng phủ nhận sự việc và cho rằng cựu Tổng thống Pháp vô tội. Trong vụ án này, ông Sarkozy đã 4 lần bị thẩm vấn.
Tuy nhiên, rắc rối thực sự đối với ông Sarkozy lại đến một cách không ngờ. Vào năm 2014, trong quá trình điều tra nghi án cung cấp tài chính bất hợp pháp từ Libya cho chiến dịch tranh cử năm 2007 của ông Sarkozy, cơ quan điều tra phát hiện ông này sử dụng một số điện thoại với tên giả là Paul Bismuth, để liên lạc với luật sư riêng là ông Thierry Herzog.
Trong quá trình nghe lại các cuộc đàm thoại giữa cựu Tổng thống và luật sư, cơ quan điều tra phát hiện việc ông Sarkozy yêu cầu luật sư Thierry Herzog móc nối với ông Gilbert Azibert, khi đó là một thẩm phán cấp cao, để có được thông tin về tiến độ điều tra vụ án Woerth-Bettencourt trong năm 2010. Để đổi lại, cựu Tổng thống Pháp hứa sẽ giúp Thẩm phán Gilbert Azibert giành được một chức vụ lãnh đạo tại Công quốc Monaco.
Căn cứ vào các nội dung được nghe lại này, cơ quan điều tra quyết định khởi tố một vụ án khác, thường được dư luận Pháp gọi là vụ án “nghe điện thoại” hay “Bismuth” (tức tên giả của Tổng thống Nicolas Sarkozy trong vụ việc).
Cần nhắc lại rằng, theo Hiến pháp của Cộng hòa Pháp, Tổng thống chỉ được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những sự việc mà ông này phạm phải với tư cách là “Tổng thống” (ngoại trừ tội ác chống lại loài người – sẽ bị Tòa hình sự quốc tế xét xử - và khi có các hành vi không phù hợp để đảm bảo có thể hoàn thành nhiệm kỳ - sẽ phải đối mặt với thủ tục phế truất). Còn đối với những hành vi phạm phải trước khi người này trở thành Tổng thống hoặc với tư cách cá nhân trong thời gian nhiệm kỳ, Tổng thống Pháp được hưởng quyền bất khả xâm phạm khi còn làm Tổng thống và chỉ có thể bị thẩm vấn kể từ thời điểm 1 tháng sau khi kết thúc nhiệm kỳ. Thời điểm năm 2014, ông Sarkozy đã kết thúc nhiệm kỳ được khoảng 2 năm. Đến tháng 7/2014, ông này bắt đầu bị thẩm vấn.
Vụ án đặc biệt, chưa có tiền lệ
Trong vụ án mới này, ông Nicolas Sarkozy cùng luật sư Thierry Herzog và thẩm phán Gilbert Azibert bị cáo buộc các tội danh tham nhũng và hối lộ. Điều đáng nói là, mặc dù bị khởi tố về tội danh tham nhũng và hối lộ nhưng các bị cáo không liên quan tới bất cứ khoản tiền nào, vụ án không có bất cứ nạn nhân nào, không có bất cứ nhân chứng nào, các căn cứ để buộc tội chỉ dựa trên những đoạn đàm thoại được ghi âm, những thỏa thuận miệng của các bị cáo không trở thành hiện thực (ông Sarkozy không có được thông tin về vụ án Woerth-Bettencourt, cũng như cựu thẩm phán cấp cao không giành được vị trí lãnh đạo tại Monaco).
Tuy nhiên, trong phiên tòa diễn ra hồi tháng 12/2020, Viện kiểm sát tài chính quốc gia Pháp khẳng định, với các ý định và lời hứa liên quan, ông Nicolas Sarkozy và 2 bị cáo đã phạm tội tham nhũng và hối lộ. Điều mà các bị cáo cực lực phản đối. Kết thúc phiên xét xử hồi tháng 12/2020, ông Sarkozy cùng 2 bị cáo bị đề nghị 4 năm tù, trong đó có 2 năm tù giam và 2 năm tù treo.
Tại phiên tòa hôm 1/3 vừa qua, các thẩm phán cho rằng, hành vi của ông Sarkozy là hành vi đặc biệt nghiêm trọng mà một cựu Tổng thống đã phạm phải, ảnh hưởng nghiêm trọng tới lòng tin của người dân. Ông Sarkozy bị cáo buộc đã lợi dụng chức vụ Tổng thống và các quan hệ chính trị, ngoại giao để mua chuộc một thẩm phán nhằm phục vụ lợi ích cá nhân, trong khi bản thân Tổng thống phải là người đảm bảo tính độc lập của hoạt động tư pháp. Tòa án đã đưa ra một phán quyết lịch sử, tuyên phạt ông Sarkozy 3 năm tù, trong đó 1 năm tù giam và 2 năm tù treo. 2 bị cáo còn lại cũng lĩnh những án phạt tương tự. Riêng luật sư Thierry Herzog còn bị cấm hành nghề luật sư trong vòng 5 năm.
Cựu Tổng thống đầu tiên của nền Đệ ngũ Cộng hòa sẽ phải ngồi tù
Trong số 8 đời Tổng thống Pháp trong nền Đệ ngũ Cộng hòa, có 4 nhân vật chưa từng vướng rắc rối pháp lý là các ông Charles de Gaulle (từ 1959 đến 1969), Georges Pompidou (nhiệm kỳ 1969 – 1974), François Hollande (nhiệm kỳ 2012 – 2017) và đương kiêm Tổng thống Emmanuel Macron (từ 2017 đến nay). Hai cựu Tổng thống Valéry Giscard d'Estaing (nhiệm kỳ 1974 – 1981) và François Mitterrand (từ 1981 đến 1995) là những người đã từng gặp rắc rối với tòa án nhưng không bị buộc tội (Valéry Giscard d'Estaing) hoặc chỉ bị buộc tội khi đã qua đời (François Mitterrand).
Tính đến trước khi ông Nicolas Sarkozy bị kết án, cựu Tổng thống Jacques Chirac (từ 1995 đến 2007) là người duy nhất bị tòa án tuyên án tù. Ông Jacques bị cáo buộc liên quan vụ án “việc làm ảo” tại Tòa thị chính Paris, xảy ra trong giai đoạn 1986 - 1996 khi ông này là Thị trưởng Paris. Vụ việc bị phanh phui vào năm 1999, một số bị cáo bị xét xử từ những năm 2002. Tuy nhiên, ông Chirac chỉ bị xét xử vào năm 2011, do được hưởng quyền miễn truy cứu trách nhiệm hình sự trong thời gian làm Tổng thống. Thời điểm đó, ông Chirac bị kết án 2 năm tù nhưng được hưởng án treo.
Vì vậy, ông Nicolas Sarkozy là cựu Tổng thống đầu tiên sẽ phải ngồi tù, mặc dù bản thân ông này cùng đội ngũ luật sư bào chữa tuyên bố sẽ kháng cáo. Ông Sarkozy cũng là Tổng thống đầu tiên trong nền Đệ ngũ Cộng hòa ra hầu tòa, vì trước đó, với lý do sức khỏe, ông Jacques Chirac chưa bao giờ có mặt tại tòa.
Dấu chấm hết cho khả năng tái tranh cử năm 2022
Cuộc bầu cử Tổng thống Pháp dự kiến diễn ra vào mùa hè năm 2022, tức sau khoảng hơn 1 năm nữa. Trong thời gian gần đây, nhiều đảng chính trị đã công bố ứng viên tranh cử. Tuy nhiên, một vài chính đảng truyền thống, trong đó có Đảng Những người Cộng hòa (LR) chưa thể tìm được một gương mặt đại diện, mặc dù có nhiều nhân vật được nhắc tới. Trong bối cảnh này, ông Nicolas Sarkozy từng được cho là có khả năng sẽ tái xuất trên chính trường. Bản thân ông Sarkozy cũng để ngỏ phương án này, thể hiện sẵn sàng nếu LR cần và tìm tới ông. Tuy nhiên, phán quyết của tòa hôm 1/3 như một gáo nước lạnh, dập tắt kịch bản này./.
Theo Huỳnh Điệp (Vov.vn)