Sau hai tiếng nổ kinh hoàng từ hai nhà máy hóa học tại một cảng công nghiệp ở Beirut – thủ đô của Lebanon vào chiều ngày 4/8 (giờ địa phương) đã có 4.000 người thương vong, các công trình phúc lợi bị phá hủy, cảng công nghiệp gần như san phẳng.
Vụ nổ tạo ra cầu lửa khổng lồ cùng loạt sóng xung kích khiến nhiều người liên tưởng đến một quả bom nguyên tử thu nhỏ với sức công phá khủng khiếp.
Một số chuyên gia ước tính vụ nổ tại Beirut có sức công phá tương đương bằng khoảng 1/5 sức mạnh của một quả bom nguyên tử cỡ lớn.
Tổng thống Lebanon Michel Aoun đã họp khẩn cấp hội đồng quốc phòng tối cao và ra tuyên bố thủ đô Beirut là một thành phố thảm họa, tuyên bố tình trạng khẩn cấp.
Theo hãng tin NNA của Lebanon, báo cáo ban đầu đổ lỗi vụ nổ do đám cháy pháo hoa tại một nhà máy ở cảng Beirut gây ra. Thủ tướng Lebanon Hassan Diab đã mở cuộc điều tra về nguyên nhân vụ nổ.
"Chúng tôi sẽ không để yên cho những gì xảy ra hôm nay và những người chịu trách nhiệm cho thảm họa này sẽ phải trả giá. Đây là một lời hứa với những người tử vì đạo và những người bị thương", Thủ tướng Lebanon Hassan Diab tuyên bố.
Tổng thống Lebanon Michel Aoun bày tỏ sự giận dữ trong một bài đăng Twitter: "Không thể chấp nhận được việc một lô hàng gồm khoảng 2.750 tấn ammonium nitrate được lưu trữ trong một nhà kho ở cảng Beirut trong 6 năm mà không có biện pháp an toàn".
Được biết ammonium nitrate là một loại tiền chất phổ biến trong các ngành công nghiệp, thường dùng trong sản xuất phân bón (phân đạm nitrat) và hợp chất dễ nổ như amatol (hỗn hợp với chất nổ TNT).
Tờ AFP nhận định, khi ammonium nitrate kết hợp với nhiên liệu, nó trở thành một chất nổ với sức công phá lớn được các nhóm vũ trang cực đoan như Taliban sử dụng cho thiết bị nổ tự chế.
Bởi vậy, Robert Baer, cựu điệp viên Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) với nhiều kinh nghiệm ở Trung Đông mới cho rằng ammonium nitrate không phải là nguyên nhân chính dẫn đến vụ nổ kinh hoàng ở Beirut khiến 4.000 thương vong, ông nghi ngờ có vũ khí quân sự bên trong.
Tổng thống Lebanon Michel Aoun cùng các quan chức tại hội đồng cũng quyết định quốc tang 3 ngày dành cho các nạn nhân xấu số.
Thống đốc Beirut, ông Marwan Abboud, bật khóc khi đi đến nơi xảy ra vụ nổ và kêu lên: "Thành phố Beirut đã bị hủy hoại".
Điều đáng sợ, vụ nổ đã thiêu hủy mọi thứ, nhiều người dân vô tội tử vong, công trình phúc lợi cùng nhiều bệnh viện đã nổ tung hoặc quá tải, nhất là trong tình trạng căng thẳng vì dịch Covid-19 cùng khủng hoảng kinh tế kéo dài.
Trước khi vụ nổ xảy ra, tình hình của cả Lebanon đã bị đánh giá là đang tiến gần bờ vực sụp đổ. Lebanon thường xuyên đối diện với hỗn loạn. Khu vực của họ có đến 18 phe nhóm tôn giáo can thiệp vào chính trị, họ đã phải trải qua 15 năm nội chiến và thường xuyên bị cuốn vào các cuộc xung đột khác.
Về an sinh xã hội, nhiều nơi ở Lebanon bị cắt điện 20 tiếng/ngày, đồng tiền Lebanon mất giá gần 80% trên thị trường chợ đen. Giá thực phẩm, nhu yếu phẩm tăng lên với tốc độ chóng mặt khiến tiền tiết kiệm bốc hơi và nhiều người rơi vào cảnh nghèo đói.
Cho đến ngày 4/8 khi vụ nổ xảy ra, có vẻ như khu vực này đã vượt ngưỡng của sự chịu đựng.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng các chuyên gia quân sự nước này đánh giá vụ nổ ở Thủ đô Beirut của Lebanon có nhiều dấu hiệu của một vụ đánh bom khủng bố, đồng thời nhấn mạnh Washington đang theo dõi sát vụ việc và sẵn sàng hỗ trợ Lebanon nếu được đề nghị.
Bộ trưởng Y tế Lebanon Hamad Hasan cho biết: "Có rất nhiều người mất tích cho đến nay. Mọi người đang hỏi cơ quan khẩn cấp về những người thân yêu của họ và rất khó tìm kiếm vào ban đêm vì không có điện".
Liệu Lebanon có đến bờ vực của viễn cảnh tồi tệ nhất: Một quốc gia thất bại ở phía Đông Địa Trung Hải?
Theo Nguyên Anh (Nguoiduatin.vn)