Khi tấn công thành phố của Đức Quốc xã, Hồng quân Liên Xô tìm thấy tượng đài nguyên soái Kutuzov được người Đức gìn giữ trong suốt 124 năm.
Mô hình cột trụ được vua Phổ dựng lên. Ảnh: Xenophon-mil.org. |
Năm 1945, trong quá trình tấn công vào sào huyệt của Đức Quốc xã, khi hành quân qua thành phố Buntslau, Đức, các binh sĩ Hồng quân Liên Xô đã rất ngạc nhiên khi phát hiện một đài tưởng niệm một tướng lĩnh Nga sừng sững giữa vùng đất từng do quân phát xít kiểm soát.
Qua tìm hiểu, họ biết rằng đó chính là tượng đài của nguyên soái Nga Mikhail I. Kutuzov, được người Đức coi như anh hùng giải phóng họ khỏi quân đội của Napoleon. Nhiều thế hệ người Đức, bao gồm cả chính quyền phát xít, đã gìn giữ tượng đài này trong suốt 124 năm, theo Xenophon-mil.org.
Năm 1813, nguyên soái Kutuzov đã dẫn đầu đoàn quân Nga băng qua vùng Silesia thuộc Ba Lan ngày nay. Tại đây, ông tham gia hội nghị quân sự với Sa hoàng Alexander I và vua Phổ Frederick William III, sau đó tiến thẳng ra mặt trận để đánh đuổi quân Pháp do Napoleon chỉ huy khỏi lãnh thổ của Phổ.
Tới ngày 6/4, ông đổ bệnh tại thị trấn Buntslau, Silesia. Nguyên soái Kutuzov dừng chân tại ngôi nhà của thiếu tá van der Mark, một sĩ quan quân đội Phổ. Sa hoàng Alexander I ra lệnh cho hoàng tử Volkonski chăm sóc cho Kutuzov, trong khi đội quân Nga tiếp tục tới thành phố Dresden. Bất chấp nỗ lực của bác sĩ, ông qua đời sau đó 10 ngày.
Các sĩ quan đã góp tiền để xây dựng một đài tưởng niệm nhỏ cho Kutuzov. Tới ngày 13/10/1813, quân Pháp dưới sự chỉ huy của Napoleon đã trở lại Buntslau, phá hủy đài tưởng niệm này. Sau khi thị trấn được giải phóng lần thứ hai, chỉ huy liên quân Nga - Phổ là tướng F. Voster Saken đã bỏ tiền ra để khôi phục công trình. Con gái nguyên soái Kutuzov cũng tới và đóng góp một khoản tiền lớn tại đây. Một lễ kỷ niệm đã được tổ chức vào ngày 15/8/1814.
Vào năm 1819, vua Phổ quyết định dựng một cột đá ở quảng trường trung tâm thành phố Buntslau. Hai năm sau đó, một cây cột làm bằng sắt rèn nặng 60 tấn, cao 11,6 m đã được dựng lên tại địa điểm này. Nó được chuyển tới gần ngôi nhà nơi Kutuzov qua đời vào năm 1893. Vua Phổ tuyên bố ngôi nhà và những thứ bên trong thuộc về nguyên soái Kutuzov, yêu cầu con cháu gìn giữ cẩn thận công trình này.
Người Đức đã tuân theo mệnh lệnh trên, giữ gìn tượng đài nguyên vẹn trong suốt hàng trăm năm, kể cả khi cuộc chiến giữa Đức Quốc xã với Liên Xô bùng nổ trong Thế chiến II.
Đến tháng 2/1945, các binh sĩ của Phương diện quân Ukraine 1 dưới sự chỉ huy của nguyên soái I. S. Konyev tiến vào trung tâm Buntslau và bắt gặp một tượng đài với dòng chữ tưởng nhớ nguyên soái Kutuzov bằng cả tiếng Nga và Đức. Không ai biết vì sao tượng đài này lại đặt ở lãnh thổ Đức.
Ngày hôm sau, sĩ quan chỉ huy phía Liên Xô được dẫn tới ngôi nhà gần tượng đài, nơi Kutuzov qua đời. Họ dùng than viết lên tường để giải thích ý nghĩa của công trình này. Sau đó, một bảng chỉ dẫn đã được dựng lên, thông tin nhanh chóng lan truyền trong hàng ngũ Hồng quân. Thượng tướng Ribalko, tư lệnh Tập đoàn quân xe tăng Cận vệ số 3, nhanh chóng tới nơi. Ông được một giáo viên người Đức thuyết minh về cuộc đời của nguyên soái Kutuzov.
Các sĩ quan Liên Xô thắc mắc vì sao người Đức vẫn bảo tồn căn nhà mà không phá hủy nó trong Thế chiến thứ hai. Vị giáo viên này khẳng định rằng Kutuzov là anh hùng đã giải phóng người Đức khỏi Napoleon. Người dân Buntslau tự hào rằng vị chỉ huy người Nga đã yên nghỉ tại thành phố của họ.
|
Chân dung nguyên soái Kutuzov. Ảnh: Wikipedia |
Chỉ huy lực lượng Nga tại Buntslau đã tiến hành mọi biện pháp để bảo tồn ngôi nhà này. Theo lệnh của nguyên soái Konyev, một hội đồng 13 người có nhiệm vụ tìm kiếm những vật dụng đã bị lấy mất trong cuộc chiến. Hầu hết đều được bảo vệ nhờ sắc lệnh ban đầu của vua Phổ Frederick William III.
Khi quân Liên Xô rút khỏi Ba Lan, các hiện vật trong ngôi nhà đã được chuyển về thành phố St. Petersburg, Nga. Chúng được trưng bày tại Bảo tàng Pháo binh, Công binh và Thông tin liên lạc từ ngày 24/6/1992 tới nay.
Mikhail Illarionovich Golenishchev Kutuzov là nguyên soái nổi tiếng của Nga vào thế kỷ 18. Ông được coi là một trong những tướng lĩnh quân sự và ngoại giao tài ba nhất của nước này dưới thời 3 hoàng đế là Catherine II, Paul I và Alexander I. Ông từng tham gia vào nhiều cuộc chiến lớn như chiến tranh Nga - Thổ hay chống quân Napoleon xâm lược. |
Theo Tử Quỳnh (VnExpress.net)