Với diễn biến hiện tại, khi chiến đấu cơ của Không quân Ấn Độ (IAF) thực hiện các phi vụ thường xuyên dọc theo Đường kiểm soát thực tế (LAC) để theo dõi các động thái của Trung Quốc, một quan chức cấp cao của IAF tự tin tuyên bố rằng: Trung Quốc sẽ không muốn bước vào một cuộc đụng độ trên không với Ấn Độ nếu không muốn để lộ ra khả năng yếu kém của mình.
Mối đe dọa tên lửa của Trung Quốc
Sau khi căng thẳng gia tăng ở biên giới cùng với việc IAF triển khai các chiến đấu cơ Rafale do Pháp sản xuất ở khu vực Ladakh, phía quân đội Trung Quốc (PLA) cũng đáp trả bằng cách triển khai hệ thống phòng không tầm xa HQ-9 dọc theo dường biên giới do cả hai phân chia.
Có thông tin cho rằng cơ sở hạ tầng phòng không của PLA đang được xây dựng cách các điểm đụng độ trước đó ở Doklam khoảng 50 km, các hình ảnh vệ tinh tiết lộ rằng Bắc Kinh cũng đang xây dựng một địa điểm đặt tên lửa đất đối không, cũng như các cơ sở hạ tầng khác bên bờ hồ Mansarovar, nằm tại khu vực ngã ba Ấn Độ-Nepal-Trung Quốc.
Trước đó, Nguyên soái Không quân Ấn Độ B. S Dhanoa đưa ra cảnh báo rằng, “mối đe dọa trên không của Trung Quốc chủ yếu đến từ hệ thống tên lửa đất đối không chứ không phải chiến đấu cơ”.
Trung Quốc tự hào là một trong những quốc gia có số lượng lớn các hệ thống tên lửa đất đối không (SAM) tầm xa tiên tiến với sự kết hợp bởi các tiểu đoàn SA-20 (S-300) nhập khẩu từ Nga và CSA-9 (HQ-9) được sản xuất trong nước, đang triển khai dọc theo LAC.
Trung Quốc hiện cũng sở hữu hệ thống phòng thủ tên lửa đáng sợ nhất thế giới S-400 do Nga sản xuất. S-400 được nhiều chuyên gia tin rằng, thậm chí còn gây ra mối đe dọa đối với cả chiến đấu cơ tàng hình F-35 và có thể đánh chặn các mục tiêu trên không từ cự ly 400 km, đảm bảo một bức tường phòng thủ vững chắc trước các máy bay chiến đấu của Ấn Độ.
Tuy nhiên, nguyên soái Dhanoa nhận định, hỏa lực dưới tay của IAF thông qua những chiếc Rafale mới mua của Pháp và các máy bay khác có thể được sử dụng để xâm nhập hệ thống phòng không Trung Quốc.
“Nếu IAF thành công trong việc phá hủy hoặc trấn áp hệ thống phòng không của đối phương, thì các máy bay chiến đấu của Trung Quốc đang hoạt động tại căn cứ không quân Hotan và căn cứ không quân Gonggar ở sân bay Lhasa là những mục tiêu hợp lý. Khoảng 70 máy bay Trung Quốc không có bảo vệ tại Hotan và khoảng 26 máy bay tại căn cứ không quân ở Lhasa”, ông Dhanoa đưa ra kịch bản.
Rafale sẽ là nhân tố thay đổi cuộc chơi?
Dassault Rafale thường được coi là máy bay chiến đấu thế hệ 4,5, mặc dù không phải là máy bay tàng hình như F-35, nhưng có khả năng tàng hình tương đối để tránh bị radar phát hiện.
Máy bay chiến đấu hai động cơ do Pháp sản xuất sở hữu khả năng cơ động cao hơn F-35 trong không chiến tầm gần và có khả năng bay ở tốc độ siêu thanh với mức tiêu hao nhiên liệu ít hơn, vượt trội hơn nhiều so với máy bay chiến đấu J10, J11 và Su-27 của Trung Quốc.
Hơn nữa, Rafale có lợi thế hơn hầu hết các máy bay chiến đấu của Trung Quốc do sở hữu một vũ khí chết người được gọi là Meteor, một loại tên lửa không đối không ngoài tầm nhìn, có động cơ phản lực, dẫn đường bằng radar, với tầm bắn ước tính từ 120-160 km.
Trong khi Rafale được sử dụng bởi không quân và hải quân Pháp, cũng như không quân Ai Cập và Qatar đã cho thấy các nhiệm vụ với tỷ lệ thành công 100% ở Afghanistan, Libya, Iraq và Syria, còn máy bay chiến đấu tàng hình tiên tiến nhất của Trung Quốc J-20 lại không có kinh nghiệm chiến đấu nào nên bị đánh giá là kém hơn.
Hơn nữa, hầu hết các máy bay chiến đấu của Trung Quốc là kết quả của công nghệ sao chép đảo ngược, do đó máy bay sở hữu động cơ phản lực kém mạnh và cũng kém tin cậy hơn máy bay phương Tây.
“Tại sao không quân Trung Quốc lại sử dụng các máy bay chiến đấu Su-30 và Su-35 của Nga khi đối mặt với mối đe dọa của Mỹ trên biển? Thực tế là các máy bay chiến đấu của Trung Quốc sản xuất không thể sánh được với trang bị của Mỹ”, nguyên soái Dhanoa chỉ ra.
Vị trí chiến lược của căn cứ không quân Ấn Độ
Theo các chuyên gia quốc phòng ở New Delhi, IAF có cơ hội tốt hơn PLA, do các máy bay chiến đấu của nước này sở hữu khả năng bay trong mọi điều kiện thời tiết ở độ cao lớn.
Hơn nữa, Ấn Độ có thể dựa vào hỗ trợ ổn định từ căn cứ không quân của mình do có vị trí chiến lược quan trọng, với căn cứ không quân gần nhất chỉ cách gần 500km từ khu vực tranh chấp, trong khi đó, căn cứ không quân của Trung Quốc là gần gấp đôi khoảng cách này, ở Tây Tạng và Tân Cương.
Đội máy bay vận tải hiện đại của Ấn Độ, bao gồm các loại như C-130J và C-17 có thể cho phép chuyển thiết bị và vật tư đến các khu vực hoạt động một cách trơn tru, nhanh chóng và ổn định, trở thành một yếu tố quan trọng trong bất kỳ cuộc chiến nào.
Ấn Độ cũng tự hào về một phi đội máy bay tiên tiến nhằm thực hiện các vai trò chiến lược và tiện ích từ hạng nặng đến hạng trung, bao gồm CH-47F Chinook, Mil Mi-26, Mil Mi-17, Mi-17 1V, Mi-17V 5 và Mil Mi-8.
Trước đó, có thông tin cho rằng Không quân PLA đã triển khai các máy bay chiến đấu J-20 gần biên giới Ấn Độ. Các chuyên gia gọi đây là động thái nhằm đe dọa Ấn Độ, nhưng các chuyên gia khác cho rằng chính bản thân Trung Quốc đang bị đe dọa, khi để các máy bay chiến đấu chưa được thử nghiệm của họ chống lại các chiến đấu cơ và hệ thống phòng thủ tên lửa mới nhất của người láng giềng.
Theo Mạnh Kiên (Nguoiduatin.vn)