Feng Lulu bị một người lạ bắt cóc khi đang chơi ngoài sân nhà ở ngôi làng Xinxing tại huyện Càn thuộc tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc vào năm 1989. Lulu lớn lên mà không nhớ bất cứ thông tin nào về cha mẹ đẻ, và luôn tin rằng mình đã bị bố mẹ bán. Khi sống với bố mẹ nuôi, Lulu được đổi tên thành Zhang Qianqian.
Trên thực tế, ngay sau khi Lulu mất tích, bố mẹ cô bé đã đi báo cảnh sát. Song vào thời điểm đó, do hạn chế về mặt công nghệ và thiếu nhân chứng tại hiện trường, lực lượng chức năng không thể tìm được cô bé mới 1 tuổi 10 tháng.
“Tôi biết mình được nhận nuôi, vì những người hàng xóm đều nói như vậy. Nhưng tôi lại không dám hỏi chuyện này với bố mẹ nuôi cho tới cách đây vài năm”, cô Lulu chia sẻ với trang tin Ersanli.
“Bố mẹ nuôi nói rằng cha mẹ đẻ của tôi có 3 người con gái và tôi là con út. Họ không có tiền để nuôi nên đã bán tôi”, cô Lulu nhớ lại chính câu nói đó đã khiến cô uất hận những người sinh ra mình, dù bản thân cô không còn chút ký ức nào về họ.
Cuộc đoàn tụ như "phép màu"
Sau 32 năm xa cách, cô Lulu cuối cùng đã được trở về ngôi làng Xinxing, và đoàn tụ với bố mẹ cùng hai anh trai và một em gái mà cô chưa bao giờ được gặp.
Khi biết tin gia đình cô Lulu vẫn miệt mài đi tìm con sau hàng chục năm, tổ chức phi chính phủ Liên đoàn Phụ nữ toàn Trung Quốc đã liên lạc với phía cảnh sát.
Với sự hỗ trợ của dữ liệu thống kê, lực lượng chức năng dần dần thu hẹp được phạm vi tìm kiếm, và xác định người phụ nữ có tên Zhang Qianqian khả năng cao là cô bé Lulu năm nào bị bắt cóc. Cho tới nay, quá trình cảnh sát sàng lọc thông tin như thế nào để tìm ra cô Lulu vẫn là điều bí ẩn.
Vào ngày 11/3/2021, một viên cảnh sát đã tới ngôi nhà của cô Lulu ở thành phố Thấm Dương thuộc tỉnh Hà Nam, nằm cách ngôi làng Xinxing mà bố mẹ đẻ của cô sinh sống gần 500km. Cô Lulu được yêu cầu làm xét nghiệm ADN để xác minh có mối quan hệ huyết thống với gia đình họ Feng hay không. Và kết quả dương tính được công bố vào ngày 30/3.
Cô Lulu cho biết "đầu óc tôi trống rỗng" khi cảnh sát quận thông báo kết quả ADN.
"Sau đó, tôi cảm thấy nhẹ nhõm khi biết rằng cha mẹ ruột vẫn luôn tìm kiếm mình trong hơn 30 năm", cô Lulu nói.
Người phụ nữ đã kết hôn và có 2 con cho biết, khả năng cha mẹ nuôi không muốn để cô gặp cha mẹ ruột vì lo sợ cô sẽ bỏ rơi họ.
Chính quyền địa phương cũng không công bố thông tin về cặp vợ chồng đã nuôi dạy cô Lulu, hoặc kẻ môi giới đã đưa cô đến thành phố Thấm Dương. Việc cha mẹ nuôi có biết chuyện Lulu bị bố mẹ bán, hay là nạn nhân bị bắt cóc cũng không được tiết lộ.
Cuối cùng, vào ngày 2/4/2021, cô Lulu lần đầu tiên được gặp lại bố mẹ đẻ sau 32 năm. Cuộc đoàn tụ có cả nước mắt và tiếng cười. Rất nhiều người hàng xóm đã tới chung vui với gia đình.
Chồng cô Lulu là anh Huang Biao nói rằng, “gia đình chúng tôi rất ủng hộ chuyện đoàn tụ. Chúng tôi giục cô ấy về nhà ở Xinxing càng sớm càng tốt. Nhưng cảnh sát đã yêu cầu chúng tôi chờ cho tới khi có kết quả xét nghiệm ADN chính thức. Đó là ngày trọng đại với vợ tôi”.
Cô Lulu cũng nói sẽ trở về quê nhà nhiều lần để “bù đắp quãng thời gian đã bị đánh cắp”.
“Tôi thực sự là người may mắn”, cô Lulu nói.
Cho tới nay, không có số liệu thống kê đầy đủ về số vụ trẻ em bị bắt cóc ở Trung Quốc. Năm 2009, Bộ Công an đã thiết lập cơ sở dữ liệu ADN và giúp hơn 6.000 trẻ em đoàn tụ với cha mẹ.
Các gia đình có con bị mất tích đã nhờ các tổ chức phi lợi nhuận như "Baobei Huijia" (Baby Back Home) được thành lập năm 2007 để hỗ trợ tìm kiếm. Tính đến năm 2021, tổ chức này đã giúp 3.647 trẻ tìm được người thân.
Trang chủ của tổ chức liệt kê hơn 10.000 bài đăng của những người từng là trẻ bị bắt cóc, hay thất lạc đang tìm kiếm gia đình, và khoảng 23.000 bài đăng của các gia đình đang tìm con.
Theo Minh Thu (VietNamNet)