Tờ South China Morning Post ngày 25-12 dẫn thông tin từ Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết 4 chiếc H-6K của Trung Quốc và 2 chiếc Tu-95 của Nga cùng tham gia tuần tra chung ở khu vực Tây Thái Bình Dương vào ngày 22-12. Đây là 1 phần của chương trình hợp tác quân sự thường niên.
Cuộc tuần tra này được tổ chức để thể hiện sự đoàn kết giữa 2 nước khi họ đều đối mặt với lệnh trừng phạt và áp lực từ Mỹ. Tuy nhiên, các máy bay ném bom của Trung Quốc có tầm bay và tải trọng hạn chế khi so với máy bay của Nga. Các nhà phân tích cho rằng sự tương phản này có tác động đến các khả năng quân sự của Trung Quốc.
Lực lượng không quân Trung Quốc có khoảng 160-180 máy bay ném bom H-6, một trong những loại máy bay hiện đại nhất Trung Quốc. Chúng có tầm bay 6.000 km và tải trọng trên cánh 160 kg/m2. Trong số các loại H-6, chỉ có loại H-6N có thể được tiếp nhiên liệu trên không, cho thấy 1 điểm yếu rõ ràng về tầm bay.
Ngược lại, chiếc Tu-95 của Nga là máy bay ném bom chiến lược kiêm bệ phóng tên lửa với tầm bay 15.000 km và tải trọng cánh 606 kg/m2.
Trung Quốc đang phát triển máy bay ném bom H-20 thế hệ tiếp theo, một loại máy bay ném bom tàng hình hạ âm được thiết kế để mang lại khả năng bay liên lục địa, mở rộng phạm vi hoạt động xa hơn ngoài biển cả.
Chiếc H-20, được thiết kế để mang 4 tên lửa hành trình tàng hình hoặc siêu thanh, có tầm bay ước tính 8.500 km và tải trọng 45 tấn. Trong khi đó, máy bay ném bom chiến lược Tu-160 của Nga có tầm bay 12.300 km và tải trọng cánh 742 kg/m2. Máy bay ném bom siêu thanh B-1 Lancer của Mỹ có thể bay được 9.400 km và tải trọng cánh 820 kg/m2.
Ông Jon Grevatt, một chuyên gia về máy bay chiến đấu kiêm nhà phân tích quốc phòng châu Á - Thái Bình Dương của tạp chí Janes, chỉ ra rằng hạn chế về tầm bay và tải trọng của máy bay ném bom H-6 sẽ giảm khả năng linh hoạt quân sự của Trung Quốc.
Trong cuộc tuần tra chung ngày 22-12, sáu chiếc máy bay ném bom của Nga và Trung Quốc bay vào vùng nhận dạng phòng không xung quanh quần đảo Dokdo do Hàn Quốc kiểm soát và cũng là nơi Nhật Bản tuyên bố chủ quyền với tên gọi Takeshima. Cả Nhật Bản và Hàn Quốc đều cho chiến đấu cơ xuất kích để giám sát.
Theo Bảo Hạnh (Nld.com)