Theo Al Jazeera, ngày Quốc tế Lao động 1/5 được coi là ngày tôn vinh quyền lợi của người lao động ở nhiều quốc gia. Các sự kiện năm nay thu hút nhiều người tham dự hơn các năm trước do các hạn chế liên quan tới dịch Covid-19 được nới lỏng đáng kể.
Các nhà hoạt động ở nhiều nước cho rằng các chính phủ nên làm nhiều hơn để cải thiện cuộc sống của người lao động.
Tại Hàn Quốc, hàng chục nghìn người đã tham gia các cuộc tuần hành khác nhau được tổ chức vào ngày 1/5. Một nhà hoạt động ở thủ đô Seoul tuyên bố trên bục phát biểu: "Giá cả mọi thứ đã tăng, trừ lương của chúng tôi. Tăng mức lương tối thiểu cho chúng tôi. Giảm giờ làm cho chúng tôi".
Ở Nhật, hàng nghìn thành viên liên đoàn lao động, các nghị sĩ đối lập và các học giả đã tập trung tại công viên Yoyogi, đòi tăng lương để bù đắp cho những tác động của chi phí gia tăng khi cuộc sống của họ vẫn đang phục hồi kể từ khi đại dịch xảy ra.
Tại Indonesia, những người tuần hành yêu cầu chính phủ hủy bỏ một luật tạo việc làm mà họ cho rằng sẽ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp nhưng gây thiệt hại cho người lao động và môi trường.
Tại Pháp, hơn 290 người bị bắt, ít nhất 100 cảnh sát bị thương sau khi các cuộc đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình nổ ra. Các cuộc biểu tình do công đoàn chủ trì đã diễn ra tại Paris như một phần của các cuộc tuần hành vào Ngày Quốc tế Lao động trên khắp châu Âu.
Ở Pakistan, nhà chức trách cấm tổ chức tuần hành ở một số thành phố vì những lo ngại an ninh.
Theo Hoài Linh (VietNamNet)